Mặc dù tránh được suy thoái, nhưng ngành công nghiệp xa xỉ phẩm của Pháp vẫn phải đối mặt với một số thách thức. 
Năm 2016, Pháp là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, cùng thị trường hàng hóa xa xỉ đứng vị trí thứ 4, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản với tổng giá trị khoảng 22 tỉ USD. Mặc dù tránh được tình trạng suy thoái trong giai đoạn 2011-2016, nhưng hiệu quả của nền kinh tế đã bị suy giảm và thị trường xa xỉ phẩm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn.
Bất ổn an ninh khiến thị trường chững lại
Từ tháng 11/2015, các cuộc tấn công khủng bố vào Paris và Nice đẩy Pháp rơi vào tình trạng bất ổn an ninh, khiến ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Bối cảnh xã hội cũng căng thẳng vì những cuộc đình công liên tục nhằm phản đối luật lao động mới. Chi tiêu trong nước không có tín hiệu tích cực nhưng vẫn duy trì doanh số bán hàng ở một số ngành chính như quần áo và giày dép may sẵn (ready-to-wear), rượu vang/rượu champagne và rượu mạnh.
Pháp vẫn là điểm đến mua sắm xa xỉ phẩm hàng đầu
Suy thoái kinh tế toàn cầu, biến động tỉ giá hối đoái, bất ổn về chính trị cùng nỗi sợ hãi trước các cuộc tấn công khủng bố khiến lượng du khách đến Pháp trong giia đoạn cuối năm 2015 đầu 2016 sụt giảm đáng kể. Chi tiêu của khách du lịch giảm 4% vào năm 2015 đã tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng doanh thu mua sắm xa xỉ phẩm.

Pháp vẫn là một trong những điểm đến mua sắm yêu thích của giới thượng lưu

Bước sang năm 2016 và nửa đầu 2017, tình hình có nhiều chuyển biến tích cực giúp các thương hiệu cao cấp trở nên lạc quan hơn. Theo số liệu mới nhất, Pháp đã chào đón gần 85 triệu du khách trong năm 2016 – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên toàn thế giới. Trong số đó, gần 1/3 du khách đã đến Paris với mục đích chính là mua sắm xa xỉ phẩm và thưởng thức ẩm thực.
Mua sắm hàng hóa cao cấp vẫn là một trong những động lực chính khiến người tiêu dùng giàu có từ khắp nơi đổ về quốc gia Tây Âu này. Năm ngoái, Pháp thu về 24% tổng giá trị chi tiêu quốc tế đối với hàng xa xỉ, đứng thứ 2 trên thế giới. Đặc biệt, dự kiến vào năm 2020, lượng du khách Trung Quốc đến Pháp có thể đạt trên 2,6 triệu người. Điều này chắc chắn sẽ tác động tích cực đến chi tiêu cho xa xỉ phẩm, đồng thời phân khúc khách sạn cao cấp cũng sẽ thu về không ít lợi ích.
Pháp bị tụt lại so với các nước láng giềng trong mảng bán hàng trực tuyến
Mặc dù tiềm năng tăng trưởng trong mảng kỹ thuật số rất lớn, nhưng Pháp vẫn còn thua kém khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, chỉ khoảng 8% mặt hàng xa xỉ ở Pháp được bán trên nền tảng kỹ thuật số, thấp hơn nhiều so với 15% ở Anh. Thực tế này xuất phát từ quan điểm “mua xa xỉ phẩm phải đến cửa hàng” đã ăn sâu vào tư tưởng của các thương hiệu cao cấp truyền thống ở quốc gia này.

Các thương hiệu xa xỉ của Pháp vẫn đề cao hình thức bán hàng truyền thống

Trong khi thị trường đang chứng kiến sự thành công của các nhà cung cấp hàng hóa xa xỉ trực tuyến thuần túy như Net-a-Porter, một số thương hiệu cao cấp vẫn còn “vắng mặt” trong lĩnh vực này vì cho rằng trải nghiệm mua sắm tốt nhất nên diễn ra tại cửa hàng và đây mới là yếu tố quan trọng nhất thu hút người tiêu dùng giàu có. Dù đầu tư cho công nghệ số không thể “ngày một ngày hai” và khó đoán trước, nhưng hướng đi này sẽ mở ra nhiều cơ hội hưởng lợi trong tương lai.
Tác động của cơ cấu dân số
Theo kết quả nghiên cứu từ Wealth-X, tổng số người “Giàu” (High Net Worth Individual – HNWI – sở hữu tài sản tài chính ít nhất 1 triệu USD) ở Tây Âu là 10 triệu. Pháp hiện chiếm gần 1/3 con số này và dự kiến sẽ tăng thêm hơn 4 triệu HNWI nữa vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng 221%. Pháp hiện đang đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng HNWI, xếp trên cả Đức và Trung Quốc.
Trong nhóm người có thu nhập hàng năm trên 150.000 đô-la Mỹ (tức là nhóm có thu nhập cao nhất), độ tuổi trên 65 chiếm ưu thế. Tỷ trọng này dự kiến vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong dài hạn bởi Pháp là nước có cơ cấu dân số già. Đến năm 2030, Pháp sẽ có khoảng 9,3 triệu hộ gia đình trung lưu (tăng lên từ 8,3 triệu vào năm 2014) với thu nhập trung bình 60.051 USD/năm. Dù gia tăng số lượng, nhưng tốc độ tăng đang dần chậm lại.
Trên thực tế, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn năm 2008-2009, tầng lớp trung lưu ở Pháp chịu áp lực lớn bởi nạn thấp nghiệp leo thang, tăng trưởng kinh tế chậm chạp, chi phí sinh hoạt tăng lên và cắt giảm các dịch vụ an sinh xã hội. Tất cả đã góp phần làm thay đổi hành vi tiêu dùng của tầng lớp này. Để thích ứng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, các nhãn hàng cao cấp đang tiến hành đổi mới, trong đó tập trung hơn vào việc đem lại giá trị thực và quan tâm hơn đến yếu tố sức khỏe.