Trong khi ngành bán lẻ truyền thống đang tự viết cáo phó cho mình thì gã khổng lồ trực tuyến 1stdibs lại xây cửa hàng bán lẻ quy mô lớn.
Năm ngoái, ngành bán lẻ truyền thống đã trải qua một năm vô cùng tồi tệ. Trước đó, chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có tới 7000 cửa hàng bán lẻ tuyên bố đóng cửa, con số tương tự cũng đang viết cáo phó cho mình trong năm 2018, vượt mức kỷ lục 6.163 số cửa hàng đóng cửa trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và theo một báo cáo của Credit Suisse, khoảng 20 – 25% cửa hàng bán lẻ Mỹ sẽ phải đóng cửa trong vòng 5 năm tới.
Trước bối cảnh “tận thế” đó, việc gã khổng lồ trực tuyến 1stdibs – kẻ thiết lập luật chơi mới trong thế giới thiết kế nội thất – đã khai trương một phòng trưng bày rộng 4.181 m2 ở một khu phố tại Chelsea (New York) vào tháng 2 năm nay đã khiến công chúng ngạc nhiên bởi không mấy ai còn đủ niềm tin vào tương lai của những cửa hàng truyền thống.

“Về cơ bản, 1stdibs là một công ty thương mại điện tử, nhưng chúng tôi cũng biết giá trị nội tại của mình, đặc biệt là trong ngành thiết kế, luôn đi kèm với trải nghiệm vật lý”, David Rosenblatt, CEO của công ty, cho biết. “Cảm nhận về kết cấu vải, trải nghiệm ngồi trên ghế, cảm giác cầm trên tay một món đồ vật trang trí là những yếu tố quan trọng đối với cả nhà thiết kế lẫn khách hàng.”
Cảm giác chạm vào một vật nào đó là nghịch lý không thể chối cãi của 1stdibs. Với trung bình 5 triệu lượt truy cập mỗi tháng và tổng khối lượng hàng hóa khoảng 250 triệu USD trong năm 2018 (tăng từ mức 200 triệu USD của năm 2017), 1stdibs cung cấp các món đồ nghệ thuật cao cấp và trang trí nội thất cho không gian sống từ các cá nhân, tổ chức đại lý trên toàn cầu. Trang web có hơn 4.000 tổ chức và cá nhân tham gia được sàng lọc từ 28 quốc gia (hơn một nửa trong số đó là các doanh nghiệp và cá nhân ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ), và tại thời điểm bài báo này ra đời có tới 860.000 món đồ được niêm yết.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao 1stdibs lại quyết định ra mắt một đại siêu thị quy mô theo kiểu truyền thống như vậy? Sau hơn một thập kỷ trực tuyến, các thương hiệu kỹ thuật số như 1stdibs đã học được một vài bài học quan trọng. Thương hiệu trực tuyến này hiểu ra rằng, việc phát triển một doanh nghiệp xa xỉ đòi hỏi phải tuân theo một luật chơi riêng, và nó phải được thực hiện theo nhu cầu của người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là bạn phải hiện diện ở cả hai mặt trận – truyền thống và trực tuyến. Trước đây, 1stdibs chỉ có một showroom thương mại tại 200 Đại lộ Lexington ở Manhattan, nhưng showroom mới của 1stdibs là một doanh nghiệp khác biệt về cả quy mô lẫn phạm vi hàng hóa. Nằm trong tòa nhà Terminal Stores trên Đại lộ 11, không gian này trưng bày hàng hóa của hơn 50 nhà cung cấp, cùng với không gian sự kiện và khu vực dành riêng cho các cuộc hội họp của khách hàng. Các đơn vị triển lãm trưng bày sản phẩm của cả đơn vị kinh doanh lẫn nhà sản xuất đương đại, bao gồm Aero, Charles Burnand, Karina Gentinetta, Craig Van Den Brulle và Nate Berkus.

Còn về câu hỏi liệu một không gian 4181 m2 có phải là cách mọi người muốn mua sắm hay không, đối với lĩnh vực thiết kế, còn quá sớm để trả lời. Nhưng Oliver Chen, người theo dõi mảng bán lẻ xa xỉ với tư cách là giám đốc và chuyên gia phân tích vốn cao cấp tại bộ phận nghiên cứu vốn của Cowen & Co., cho biết sự kết hợp giữa các cửa hàng trực tuyến và truyền thống là tương lai của ngành bán lẻ. “Nếu công ty của bạn hoạt động theo mô hình trực tuyến, sẽ đến một lúc nào đó, bạn cần phải nhấc chân sang lĩnh vực truyền thống”, ông nói. “Một cửa hàng truyền thống cho phép bạn có được những khách hàng mới và khi chi phí mua hàng trực tuyến tăng lên, điều này sẽ rất quan trọng.”
Một thương hiệu trực tuyến ăn nên làm ra không hẳn là một cửa hàng thành công. “Rất khó để vận hành một cửa hàng. Bạn phải cân nhắc rất kỹ vấn đề nhân sự, đào tạo, và bạn cần kết nối giữa hàng hóa trực tuyến với truyền thống. Bạn cũng cần phải hiểu rõ việc cơ cấu hợp đồng thuê mặt bằng; chi phí thuê mặt bằng cố định so với chi phí biến đổi, cũng như việc lựa chọn trang web. Bạn cần tối đa hóa các loại traffic có ý nghĩa đối với công ty của bạn.” – Chen chia sẻ.
Có thể có một số rủi ro liên quan đến một cửa hàng quy mô lớn như vậy trong một khu vực có giá thuê mặt bằng cao, nhưng Rosenblatt đã chuyển đổi công ty kể từ khi gia nhập 1stdibs vào năm 2012, và ông nói rằng đó là thời điểm chín muồi để thay đổi một lần nữa. Khi Rosenblatt tham gia 1stdibs, trang web (được thành lập năm 2001 bởi cựu nhân viên bất động sản Michael Bruno) hoạt động như một dịch vụ đăng tin có tính phí cho các đại lý với một khoản phí hàng tháng và một khoản phí đăng tin cho mỗi mặt hàng.
“Tinh thần của 1stdibs nằm ở những câu chuyện”, chuyên gia thiết kế Tom Stringer ở Chicago nói. Những món đồ này được trưng bày cùng với câu chuyện về lai lịch của chúng, dù đó là món đồ đương đại, truyền thống, vintage hay đồ cổ: ai là người tạo nên những món đồ đó, chúng xuất hiện như thế nào. Việc mua hàng tại đây không hề giống với trải nghiệm bạn đã gặp trên eBay.

Nhờ xung lực từ sự kết hợp giữa các nhà thiết kế nội thất và đại lý bán hàng trên toàn cầu, vào năm 2012, công ty đã huy động được 102 triệu USD từ Benchmark, Spark Capital và Index Ventures. Một năm sau đó, Rosenblatt chuyển đổi trang web từ mô hình rao vặt giống như trang Craigslist thành một nền tảng thương mại điện tử. Rosenblatt cho biết, “1stdibs vẫn đóng vai trò như một đơn vị trung gian vào thời điểm tôi mới gia nhập – khách hàng có thể khám phá các sản phẩm thông qua 1stdibs, nhưng không thể mua trực tuyến”. Kể từ khi bổ sung nút “mua” trên trang web, “mức giá trung bình của món hàng trực tuyến trên 1stdibs đã tăng 40%, từ 2.000 USD lên 2.790 USD”, ông nói. “Trước khi có nút ‘mua’, mỗi năm, chúng tôi chỉ nhận được một vài đơn hàng có giá trị lớn. Giờ đây, chúng tôi có tới 15 giao dịch mua hàng với giá trị trên 10.000 USD mỗi ngày.”

1stdibs cung cấp không chỉ sản phẩm cho cả người tiêu dùng cá nhân lẫn các nhà thiết kế nội thất, mà còn cả các dịch vụ chuyên biệt như xác minh tính xác thực của từng mặt hàng và xử lý khâu vận chuyển cho các mặt hàng có giá trị, cồng kềnh và dễ vỡ. Tính đến giữa năm 2018, 1stdibs có khoảng 400 nhân viên và giá trị đơn hàng trung bình là gần 3.000 USD. Ngoài các món đồ nội thất, 1stdibs còn thu hút các thương hiệu kim hoàn cao cấp với doanh số 50 triệu USD trong năm 2018.
Vào năm 2016, công ty đã đa dạng hóa sản phẩm và giới thiệu danh mục New & Custom, giới thiệu hơn 2.000 nhà sản xuất và thương hiệu độc lập với khoảng 60.000 sản phẩm mới. Rosenblatt cho biết, đây là danh mục phát triển nhanh nhất trên trang web, đóng góp hơn 15% doanh số cho thương hiệu.