Đâu là bí quyết của ông trong việc tích hợp các nguyên tắc kiến trúc truyền thống Nhật Bản vào thiết kế hiện đại?


Tôi thường nhận ra rằng cách tiếp cận thiết kế của mình ngay từ đầu đã là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, và tôi chưa bao giờ đặc biệt ý thức rằng đây là truyền thống và đây là hiện đại. Sự kết hợp đó diễn ra một cách tự nhiên.


Đâu là vai trò của vật liệu tự nhiên trong các dự án và ảnh hưởng của chúng đến cách tiếp cận đối với tính bền vững?


Bản thân việc sử dụng vật liệu tự nhiên không phải là giải pháp để đạt được tính bền vững. Điều quan trọng là phải xem xét vật liệu nào được sử dụng và cách chúng được sử dụng trong các thành phần tự nhiên của môi trường, và tôi luôn ghi nhớ điều này khi thiết kế kiến trúc. 

Dự án bảo tàng Victoria & Albert Dundee Museum (London, Anh)

Thách thức kiến tạo không gian lấy con người làm trung tâm trong các dự án quy mô lớn được ông giải quyết như thế nào?


Cho đến gần đây, người ta vẫn cho rằng khó có thể kết hợp các không gian thoải mái, hướng đến con người vào các tòa nhà quy mô lớn. Tôi tin rằng giờ đây có thể tạo ra một nơi riêng tư và thoải mái trong một dự án quy mô lớn, và tôi cũng đang cố gắng thực hiện điều đó trong các dự án của mình với nhiều ý tưởng khác nhau.


Liên quan đến dự án của ông tại Việt Nam, Waterina Suites, và dự án gần đây – Kempinski Saigon River – ông đã điều chỉnh cách tiếp cận kiến trúc của mình như thế nào để phù hợp với bối cảnh văn hóa và môi trường độc đáo của Việt Nam?


Tôi cảm thấy có những điểm tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và Nhật Bản, và chúng tôi chia sẻ cùng một cảm quan thẩm mỹ đối với nghệ thuật và văn hóa. Chúng độc đáo trong việc thách thức các vật thể và cấu trúc mạnh mẽ, và điều đó khiến tôi cảm thấy gần gũi với Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng có sự nhẹ nhàng và linh hoạt trong kiến trúc của cả hai quốc gia. Vì thế, tôi rất vinh dự và phấn khích khi có thể tham gia công việc thiết kế trong một môi trường như vậy.

Dự án Thư viện xoắn ốc Darling Square (Sydney, Úc)

Theo ông, những công nghệ mới nổi nào sẽ có tác động đáng kể nhất đến thiết kế kiến trúc trong thập kỷ tới?


Điều quan trọng là công nghệ mới nhất giúp chúng ta sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau trong xây dựng, chẳng hạn như gỗ và sợi carbon – những vật liệu có thể thay thế các vật liệu cũ, lỗi thời như bê tông và thép.


Theo ông, thẩm mỹ kiến trúc sẽ phát triển như thế nào khi các nền văn hóa và công nghệ tiếp tục giao thoa trên toàn cầu?


Theo tôi, sự giao thoa của tính toàn cầu hóa đã đạt đến đỉnh cao. Mọi người đang nhận ra sự quý giá của tính địa phương và cố gắng tăng cường sức hấp dẫn của chúng. Ngày nay, ngay cả một địa điểm xa xôi, khó tiếp cận cũng có thể thu hút khách du lịch. Việc quay trở lại với tính địa phương sẽ là chìa khóa cho tương lai.


Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự cân bằng giữa trực giác của con người và thiết kế thuật toán để tạo ra không gian vừa công năng vừa có sự cộng hưởng về mặt cảm xúc?


Tôi cảm thấy AI chỉ là một công cụ để xác nhận trực giác của con người. AI có thể khiến cho suy nghĩ của bạn được hiển thị ra bằng thuật toán.


Dự án Waterina Suites (Q.2, TP. HCM) với những đường cong mềm mại lấy cảm hứng từ thửa ruộng bậc thang ở Tây Bắc.

Ông có thể bật mí về những dự án hiện đang được triển khai?


Tôi muốn tiếp tục tạo ra những công trình kiến trúc bằng những vật liệu nhẹ nhàng và thân thiện với con người, có thể thay thế bê tông và thép, đồng thời cung cấp cho mọi người những không gian thoải mái và dễ chịu, có khả năng tồn tại lâu dài.


Xin cảm ơn ông!