Hầu như trong túi xách tay hàng “fake” của bất cứ các cô bé cave nào đấy đều cũng có một quyển Kiều, để những lúc vắng khách âm thầm bâng khuâng mang ra an ủi tự bói …
“Tít” bài này ngô nghê diễn nôm tên một kiệt tác chữ Hán của đại thi hào người Việt, cụ Nguyễn Du. Kể cả khi đã được Việt hóa thì nhiều bản dịch vẫn để tiêu đề đúng theo nguyên tác là Long thành cầm giả ca, bởi đây là bài thơ viết về Hà Nội. Cách đây chưa lâu, có đạo diễn giữ nguyên như thế để làm một bộ phim được nhiều giải lớn lắm. Nam chính trong phim là Tố Như, khi ông còn lang thang cơ nhỡ trên những vỉa hè của Thăng Long thành. Xem phim thì thấy đạo diễn cũng chưa hiểu nhiều về cụ Nguyễn. Làm thơ khác làm phim, đâu cứ phải quằn quại mới ra tác phẩm. Còn nhân vật nữ thì đương nhiên thành công, bởi cô bé đó xót xa mang thân phận “xướng ca vô loài”. Một nghề đặc biệt luôn gắn với không biết bao nhiêu thăng trầm chỉ có ở những nơi đô hội lớn. Những chị những em hành nghề này, ngày xưa hữu tình thì gọi là ca nương, bớt tình hơn thì gọi là kỹ nữ. Ngày nay thế sự vô tình, chẳng cứ vỉa hè mà ngay trên một vài truyền thông chính thống, thỉnh thoảng lại dùng chữ “cave”.
Chữ “cave” xuất xứ ở Tây, nhưng âm hưởng đau đớn của nó lại rất thuần Việt. Có học giả uyên bác thích hát karaoke đã hớn hở giải thích. Sâu xa nội hàm của nó mang nghĩa con ve, tuy bụng rỗng vì đói nhưng do phải vất vả mưu sinh nên vẫn nghẹn ngào véo von ca hát. Nghề cầm ca “tay vịn” hình như là bất hạnh thật, nên có một cố thi sĩ đã cay đắng đồng cảm. Cùng một lứa bên trời lận đận, nên chủ đề về nghề ca kỹ trong văn chương nghệ thuật của thị dân đã đứng riêng một góc trời. Không phải ngẫu nhiên mà Toàn Đường thi có năm vạn bài, thì có hơn hai nghìn bài với chủ đề ngắm kỹ nữ, vịnh kỹ nữ, tặng kỹ nữ, biệt kỹ nữ, nhớ kỹ nữ … Văn học là tình. Tình động thì tâm động. Tâm động thì chữ sinh, chữ sinh thì tác phẩm thành. Có thể mạnh dạn nói, “cave” luôn song hành cùng nghệ thuật.

Giống như nhiều người viết, đa phần kỹ nữ đều có xuất xứ ở những nơi âm ẩm nước mắt. Hoặc từ những chung cư nghèo ngoại ô, hoặc từ những nơi xơ xác đồng chua chiêm trũng. Xuất xứ là vậy nên kỹ nữ rất biết thương mình và thương người. “Thân lươn bao quản lấm đầu. Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Từa tựa như Đốt, văn học Việt Nam rưng rưng hãnh diện khi có thi hào Nguyễn Du. Hầu như trong túi xách tay hàng “fake” của bất cứ các cô bé cave nào đấy đều cũng có một quyển Kiều, để những lúc vắng khách âm thầm bâng khuâng mang ra an ủi tự bói. Một nhà thơ hậu sinh không phải người Hà Nội đã làm hai câu lục bát mang vẻ “sến” buồn bã đến nghẹn cười: Tố Như vẫn khóc đêm trường/Khi Kiều còn đứng bên đường Nguyễn Du.