Vào tháng 4 vừa qua, ông hoàng giày thể thao Nike đã kết hợp với RTFKT để cho ra mắt phiên bản kỹ thuật số của đôi giày Dunk lừng danh. Chỉ vỏn vẹn trong vài tiếng đồng hồ, các mẫu thử của chiếc giày ảo đã nhanh chóng được niêm yết trên chợ NFT OpenSea với mức giá trung bình từ 3 Ethereum, tương đương khoảng 9.000 USD.

Những thương hiệu không có ý định phát triển theo lĩnh vực trò chơi điện tử có lẽ sẽ bỏ lỡ sự chuyển mình đầy mạnh mẽ của ngành công nghiệp này, đặc biệt là trong thị trường bán lẻ.

Trên thế giới hiện nay, mức độ “phủ sóng” của trò chơi điện tử còn rộng hơn cả âm nhạc trực tuyến và phim ảnh cộng lại, và phần lớn doanh thu của thị trường này không đến từ việc phát hành các tựa game, mà từ các giao dịch mua bán trong game – từ vũ khí ảo, đất đai cho đến công cụ, trang phục hay thậm chí cả phương tiện giao thông. “Game thủ” giờ đây không còn gắn với hình ảnh của những cậu bé ở độ tuổi thiếu niên, mà là những người trưởng thành có mức thu nhập ổn định và sẵn sàng đầu tư vào trò chơi game mà mình yêu thích. Vậy có gì đáng ngạc nhiên khi “thiết bị ảo” của các thương hiệu nổi tiếng xuất hiện trên thị trường này?

Người tiêu dùng có thể sẽ đặt những dấu hỏi về việc “ảo hóa” các thiết bị điện tử, tuy nhiên, sự hoài nghi này sẽ không mấy ảnh hưởng đến tính phổ biến của chúng. Tại Ma Cao, thế giới ảo hay metaverse đã cấu thành một nền kinh tế “số hóa” mặc cho sự hoài nghi của người tiêu dùng. Khi “đánh hơi” thấy sự hiện diện của thế giới ảo và để không trở nên lỗi thời, các công ty lớn chắc chắn sẽ tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này. Hiện nay, các vật phẩm kỹ thuật số, dù được bán dưới dạng NFT hay phiên bản giới hạn trong game, đều giúp mang lại doanh thu cho các thương hiệu và nhãn hàng. Thậm chí, giá trị của nhiều bộ sưu tập như máy ảnh hay súng săn cổ điển lại không dựa trên tính năng của chúng, mà được định giá bởi thị trường.

Mặc dù ý tưởng về một chiếc ván lướt sóng ảo nghe có vẻ khá phi lý, nhưng nhiều người cũng đã từng có suy nghĩ tương tự về chiếc đồng hồ cơ trong thời đại của những thiết bị thông minh. Điều quan trọng ở đây chính là nhu cầu và sự thèm muốn của người mua dành cho các mặt hàng kỹ thuật số. Các doanh nghiệp cần tìm ra cách đáp ứng thị hiếu của tệp khách hàng tiềm năng này nếu vẫn muốn duy trì địa vị và tên tuổi của mình trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Mâm đĩa than – Nagra Reference Anniversary

Nagra Reference Anniversary Amplifier

Nagra – thương hiệu âm thanh hi-end đến từ Thuỵ Sĩ – vừa chính thức chạm tới cột mốc 70 năm hoạt động. Để đánh dấu sự kiện quan trọng đó, thương hiệu âm thanh lừng danh này đã ra mắt bộ mâm đĩa than Reference Anniversary với những điểm nhấn vô cùng đắt giá. Nổi bật là thớt đĩa nặng 6,5kg được đúc ly tâm bằng hợp kim dùng cho tàu vũ trụ với khả năng giảm chấn âm tối ưu hơn mọi vật liệu khác. Ngoài ra, cặp động cơ DC không chổi than đạt tiêu chuẩn Thụy Sĩ giúp hỗ trợ việc cân chỉnh tốc độ đĩa quay chính xác để mang lại độ trong trẻo cho âm thanh phát ra. Lấy cảm hứng từ các chuyển động đồng hồ skeleton của Thụy Sĩ, mặt trên của đĩa sử dụng methacrylate chống tĩnh điện trong suốt, giúp chủ nhân có thể chiêm bái các thành phần truyền động một cách rõ ràng. Ngoài ra, khung gầm nhôm và phenolic không cộng hưởng được treo bằng bốn chân lò xo và giảm chấn thủy lực.

Với vỏn vẹn chỉ 70 chiếc trên toàn cầu, mâm đĩa than Nagra Reference Anniversary được niêm yết với giá 175.000 USD.

Xe đạp – Pinarello Dogma F

Pinarello Dogma F

Chiếc xe đạp Pinarello mới nhất thuộc dòng Dogma F – phiên bản kế nhiệm của Dogma F12 – sở hữu những nâng cấp đáng chú ý về mặt thiết kế nhưng vẫn giữ được phom dáng thể thao của phiên bản tiền nhiệm. Cùng với đó là các cải tiến về mặt khí động học, bao gồm phần khung sau được cải thiện để điều chỉnh luồng khí một cách hài hòa, phuộc xe hoạt động giống như một cánh buồm, giúp mang lại chuyển động êm ái tại những khúc cua.Vật liệu sợi carbon tiên tiến trên khung xe có công nghệ nanoalloy, vốn được sử dụng cho tàu vũ trụ, giúp tạo nên độ chắc chắn cho xe. Giống như phiên bản trước, chiếc Dogma mới hỗ trợ phanh đĩa hoặc phanh vành. Và với 11 kích thước khung, 16 kích thước tay lái và hai tùy chọn lùi trên cọc yên, khách hàng sẽ có 352 kiểu tùy biến cho chiếc xe đạp. Dogma F có giá 6.950 USD cho cả khung, phuộc và yên xe.

Bộ kính thực tế ảo – HTC Vive Pro 2

HTC Vive Pro 2

Phiên bản mới của chiếc Vive Pro của HTC có lẽ không phải là chiếc kính thực tế ảo đơn giản và thân thiện với người dùng nhất trên thị trường, nhưng nếu xét về độ chân thực thì Vive Pro 2 gần như không có đối thủ.

Để khai thác tối đa hệ tiện ích VR trên chiếc kính, người dùng sẽ cần phải mua thêm trạm Base Station và bộ cảm biến Motion Controller, đồng thời kết nối thiết bị với một PC cấu hình cao. Sau khi hoàn thành, người dùng sẽ có ngay một cỗ máy VR vô địch thế giới với độ phân giải 5K mượt mà (2.488 pixel x 2.488 pixel mỗi ống kính); Vive Pro 2 mang lại góc nhìn 120° nhờ cấu hình ống kính kép xếp chồng lên nhau và dải âm thanh 3-D chất lượng cao. Ngoài ra, phiên bản Vive Pro 2 còn hỗ trợ khả năng lưu trữ và phát lại, với hình ảnh và độ chân thực đáng kinh ngạc, giúp mang đến trải nghiệm ấn tượng nhất cho chủ nhân khi đắm chìm trong vũ trụ thực tế ảo.

Mức giá niêm yết cho trọn bộ sản phẩm HTC Vive Pro 2 là 1.399 USD.

Loa – Bowers & Wilkins 801 D4

Bowers & Wilkins 801 D4 Loudspeaker

Mẫu loa 801 D4 thế hệ thứ tư của dòng loa cao cấp Diamond Series đến từ thương hiệu Bowers & Wilkins là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật có khả năng tái tạo âm thanh bậc nhất thế giới.

Cặp loa dạng cột nổi bật bởi vỏ bọc ba mảnh hiện đại, cùng công nghệ driver tiên tiến kết hợp với thiết kế gọn nhẹ, giúp mang lại tổng thể hài hòa, chắc chắn. Thùng loa được làm từ gỗ óc chó, tủ bọc của loa có dáng cong uốn lượn tạo điểm nhấn nổi bật cho thiết kế. Phiên bản 801 D4 được trang bị một cặp driver hình nón Aerofoil 25cm có thể giảm độ sâu âm trầm đến 18Hz, giúp âm thanh phát ra chính xác hơn. Đặc biệt, chiếc đầu Turbine được tách biệt hoàn toàn khỏi các bộ phận khác của loa, tạo ra môi trường lý tưởng để củ loa Continuum phát huy hết hiệu suất. Giá bán cho bộ loa “khủng” này là 35.000 USD.

Phát kiến thời đại – Jonathan Berent

Jonathan Berent

Trong khi một số người vẫn vùi đầu vào chăn để tiếp tục mơ mộng thì Jonathan Berent lại dành thời gian hiện thực hóa hoài bão của mình. Berent là người sáng lập và Giám đốc điều hành của NextSense – một công ty thiết bị đeo tiên tiến đang phát triển công nghệ điện não đồ (EEG) tích hợp trong một cặp tai nghe. Tương tự như một chiếc đồng hồ Apple Watch hoặc một chiếc nhẫn Oura, thiết bị này được thiết kế dành riêng cho não bộ. Việc ghi lại những dữ liệu quan trọng về chu kỳ ngủ và nhịp sinh học có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về tác động của chúng đối với tâm trạng, sự tập trung và năng suất của con người. Mục tiêu của ông là mang đến một thiết bị EEG sở hữu các chức năng cơ bản của một chiếc tai nghe: nhận cuộc gọi, nghe nhạc và loại bỏ tiếng ồn. Thiết bị trợ thính này cũng có thể là món quà vô giá đối với những người mắc bệnh liên quan đến thần kinh. Berent cho hay: “Rào cản mà chúng tôi phải đối mặt không phải là về giá thành của sản phẩm, mà chính là sự miệt thị người đeo khi mang thiết bị hỗ trợ nghe nhìn. Người tiêu dùng muốn sở hữu một thiết bị vô hình, một sản phẩm giúp họ có thể hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày mà không bị bất kỳ ai nhận ra rằng mình đang đeo máy trợ thính”.