Với lịch sử hơn một thế kỷ tồn tại ở Thụy Sĩ, Baselworld đang cho thấy sự suy giảm sức hút rõ rệt khi các thương hiệu trụ cột lần lượt tuyên bố rút khỏi sự kiện triển lãm này. 
Khi Nick Hayek, CEO của Swatch Group, xác nhận vào năm ngoái rằng ông sẽ rút toàn bộ thương hiệu thuộc tập đoàn khỏi Baselworld 2019, triển lãm này đã chứng kiến các tác động mạnh theo chiều hướng tiêu cực đối với bản thân Baselworld cũng như các thương hiệu đồng hồ khác. Và động thái rời khỏi Baselworld của Breitling tiếp tục thu hút sự chú ý của giới mộ điệu, bởi đây là một trong những thương hiệu chiếm không gian đáng kể tại sự kiện. Trong khi đó, Rolex và Tudor đều tuyên bố sẽ mở rộng sự hiện diện của mình bằng cách lấp đầy phần không gian bỏ trống.
Baselworld được tổ chức mỗi dịp xuân về tại thành phố Basel, Thụy Sĩ từ năm 1917, tuy nhiên năm nay, lượng khách tham dự đã giảm 22%. Tương tự, triển lãm Salon International de la Haute Horolgie (SIHH), thường diễn ra vào tháng Một, cũng không miễn nhiễm: những thương hiệu nổi bật như Richard Mille và Audemars Piguet thông báo về việc rút khỏi SIHH vào năm ngoái.
Thay vì đầu tư ngân sách “khủng” cho không gian trưng bày tại các triển lãm, các thương hiệu đồng hồ đang hướng đến những trải nghiệm xa hoa riêng biệt giúp tiếp cận trực tiếp khách hàng trong bối cảnh xu hướng tập trung vào các trải nghiệm tương tác trực tiếp đang ngày càng trở nên phổ biến.
Một trong những động thái của các nhà tổ chức Baselworld và SIHH nhằm tăng cường sức hút cho hai sự kiện là lên kế hoạch tổ chức liền kề vào tháng Bốn năm sau. Tuy nhiên, quyết định này có vẻ không đem lại tác động đáng kể nào đến những thương hiệu như Breitling. Hãng cho rằng thời điểm này quá trễ để ra mắt sản phẩm mới.
CEO Georges Kern của Breitling chia sẻ: “Yếu tố mang tính quyết định là thời điểm tổ chức Baselworld vào cuối tháng 4 không phù hợp với kế hoạch làm việc của công ty. Trong khi đó, Summit platform, một nền tảng truyền thông & thương mại do chính Breitling tổ chức, cho phép hãng linh động về thời điểm và không gian khi cần giới thiệu đến nhóm khách hàng mục tiêu về các sản phẩm mới cũng như dấu ấn phát triển mới của thương hiệu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào nền tảng này nhằm tăng cường tương tác cá nhân với các khách hàng, đại diện truyền thông, đối tác bán hàng cũng như giới sưu tầm. Vì vậy Breitling sẽ không tham gia triển lãm tại Baselworld vào năm 2020”.
Mặc dù các nhà tổ chức đã thông báo vào tháng 12.2018 về việc hợp nhất Baselworld và SIHH từ tháng Bốn năm 2020, song có vẻ như Kern đã lên kế hoạch rút khỏi triển lãm này khi ông tổ chức sự kiện Breitling Summit đầu tiên dựa trên nền tảng Summit ở Luân Đôn vào tháng 10 năm ngoái. Tại đây hãng đồng hồ đã giới thiệu các sản phẩm mới đến báo chí, đối tác và nhóm đại sứ thương hiệu của Breitling. Trước đó, ý tưởng này từng được Bremont, một đại diện đã “di tản” khỏi Baselworld vào năm 2017, thử nghiệm bằng các sự kiện diễn ra ở Luân Đôn và New York.
Khi Kern chia sẻ rằng Breitling sẽ cân nhắc khả năng tiếp tục tham dự Baselworld vào năm 2021, ngành đồng hồ đã hy vọng Swatch Group cũng sẽ suy nghĩ về việc quay trở lại, tuy nhiên nhân sự trong tập đoàn tiết lộ thông điệp nội bộ rõ ràng là “không”. Swatch Group vừa bố trí không gian dành cho các nhà bán lẻ tại một sự kiện riêng biệt ở Bienne vào tháng Ba và đang lên kế hoạch ră mắt một sự kiện tương tự mang tên Time to Move dành cho báo chí vào tháng tới, hứa hẹn sẽ một trải nghiệm sâu sắc hơn so với Baselworld, bao gồm các chương trình tham quan xưởng chế tác của mỗi thương hiệu danh giá của hãng, bao gồm: Harry Winston, Breguet, Jaquet Droz, Blancpain, Glashutte và Omega.
Michel Loris-Melikoff, Giám đốc Điều hành Baselworld, đang nỗ lực biến đổi sự kiện này thành một chương trình mang tính trải nghiệm nhiều hơn, song có lẽ động thái này đã quá trễ khi ngày càng có nhiều thương hiệu hướng đến các sự kiện riêng tự tổ chức, nơi không có sự hiện diện của các đối thủ. Baselworld có lẽ sẽ phải tạo ra những trải nghiệm vô cùng đặc biệt mới có thể tiếp tục duy trì lực hấp dẫn của mình.