Mấy hôm đầu năm mới, ngồi xem vòng chung kết ASIAN cup 2019 có đội tuyển Việt Nam, bỗng thiết tha nhớ Hà Nội thời bao cấp. Phố Hà Nội miên viễn sẽ còn khi bọn con giai ở phố vẫn còn biết chơi bóng “phủi”.
Có lẽ năm 2018 ở ta vừa rồi, không một sự kiện chính trị hay xã hội nào lại “hót” như bóng đá. Người Việt yêu bóng đá từ lâu, bởi những sắc thái buồn vui từ trò chơi này thường dễ được đám đông cộng cảm.
Hà Nội vào cái thời bần bạch bao cấp, khi cuộc sống là kham khổ là tần tảo, thì không hiểu sao bóng đá Thủ Đô lúc đấy lại cực kỳ thăng hoa. Sân cỏ trùng trùng điệp điệp kế tiếp nhau nhiều thế hệ danh thủ. Thôi thì không kể ra đây những tên tuổi lừng lẫy khét tiếng một thời, chỉ biết phần lớn bọn họ đều là con giai của phố.

Và nơi dung dưỡng năng khiếu rồi nuôi nấng tài năng của họ thường là những vỉa hè. Một kiểu đặc sản bóng đá chỉ có ở những đô thị vất vả nghèo. Kể cả cho tới hôm nay, người ta vẫn thích gọi nó theo khẩu ngữ bụi bặm rất Hà Nội, bóng đá “phủi”.
Phố của thời trong trắng xa vắng ấy, ngập tràn những sân “phủi”. Hiển nhiên, lấy đâu ra nhiều những sân “hoành tráng” cỡ như Long Biên hay Quan Thánh mà vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn có thể chơi được mười một người. Đa phần chỉ là những mảnh đất không vuông vắn lắm, nhưng khá rộng rãi, đủ để cho năm hoặc bẩy người đá gôn “tôm”.
Tuyệt vời làm sao, ngay ở những quận trung tâm Hà Nội, kể cả Hoàn Kiếm, cũng nhan nhản những mảnh sân trong veo như vậy. Chắc do hồi đó tuyệt chưa có thứ tham lam của thời nay, khi đám đại gia bất động sản cứ thấy một mảnh đất trống nào giữa nội thành là phân lô bán nền xây chung cư cao cấp.

Sân “phủi” tử tế là nơi thường xuyên đám nghiệp dư may mắn được quần thảo với những tên tuổi huyền thoại của đội Thể Công hay Công An Hà Nội. Trong không gian chật hẹp, bóng đá đường phố bắt buộc phải có hai phẩm chất, đó là khéo và “quái”. Đọc lại hồi ký của các danh thủ “phủi” cỡ Garrincha hay Maradona, thấy bóng đá ở phố đã luyện cho họ những kỹ năng vô tiền khoáng hậu. Bọn họ ăm ắp tiểu xảo, cái mà chúng ta quen gọi là “quái”. Tuyệt chiêu “bàn tay của Chúa”, thì phi vỉa hè, chẳng có trường bóng đá nào lại có thể dạy nổi.
Ở một trận đấu hay tới mức kinh điển, khán giả hồi hộp tức thở thưởng thức nó, rồi vô thức sung sướng âm thầm văng tục. Chỉ cần tới vòng cấm địa, hậu vệ đối phương khẽ chạm là tiền đạo đau đớn lăn đùng ra kiếm quả penalty. Tiểu xảo tế nhị đến mức không bao giờ có mặt ở bất cứ sách giáo khoa chính thống nào, FIFA vốn dĩ đạo mạo nên cấm tiệt. Nhưng tiểu xảo là không bao giờ mất, càng ngày nó càng hoàn hảo càng tinh tế. Đơn giản, nó là con đẻ đứt ruột của bóng đá ở phố, và bóng đá đường phố là cái nôi thai nghén rồi đẻ ra những cầu thủ thị dân vĩ đại đáng xem nhất.