Bjarke Ingels là tác giả của hàng loạt công trình kiến trúc độc đáo mang phong cách vị lai.

Cuộc gặp gỡ với vị kiến trúc sư Bjarke Ingels trong tòa nhà văn phòng lát gạch đỏ sang trọng của anh ở Copenhagen, Đan Mạch đã mang đến cho tôi một cảm giác rất đặc biệt. Suốt buổi trò chuyện, vị kiến trúc sư này luôn tràn đầy năng lượng dù vừa đặt chân vào văn phòng sau chuyến bay dài từ Mexico.

Vị kiến trúc sư trẻ tuổi này là nhà sáng lập Bjarke Ingels Group (BIG) với hàng loạt dự án đầy thách thức – từ dự án trụ sở mới cho Galeries Lafayette ở Champs-Elysées, bảo tàng đồng hồ mới của Audemars Piguet ở Thụy Sĩ, hai cơ sở của Google ở California, LEGO House ở Đan Mạch, Tòa tháp Grove @ Grand Bay ở Miami cho đến các dự án thành phố tương lai Toyota Woven City và Telosa trong lòng sa mạc nước Mỹ…

Dự án Lego House ở Billund (Đan Mạch)

Hất những ngọn tóc rối lòa xòa, Ingels chia sẻ: “Với mỗi dự án, chúng tôi phải xác định thế giới đang thay đổi, hoặc đã thay đổi như thế nào”.

Thật vậy, với mỗi dự án mới, Ingels thúc đẩy bản thân phải sáng tạo lại, dù đó là những mái nhà dốc trong khuôn viên Sunnyvale của Google hay Khu dân cư Hoa Liên ở Đài Loan. Các thiết kế của Ingels đều cho thấy tinh thần dám phá vỡ các quy tắc, khả năng sử dụng vật liệu để kiến tạo một thế giới xứng đáng với sự đổi mới của thế kỷ 21.

Tòa tháp Grove at Grand Bay, Miami (Hoa Kỳ)

“Năng lượng” là một từ khóa của Ingels; và “Lớn” là một từ khóa khác. Nó không chỉ là tên công ty do anh sáng lập, mặc dù Ingels hay thích chơi chữ và tự hào về nguồn gốc Đan Mạch của mình qua địa chỉ trang web www.big.dk. Lớn hơn, táo bạo hơn và rộng hơn cuộc sống – đó là cách tiếp cận của Ingels đối với mọi thứ. Đó cũng là một sự ngạo nghễ thái quá ở một quốc gia nổi tiếng với chủ nghĩa quân bình, một sự tuân thủ được hệ thống hóa trong một triết lý có tên gọi janteloven (thuật ngữ nhấn mạnh tính đặc trưng của văn hóa Scandinavia: đó là sự phù hợp xã hội, theo đó, bạn không cần cố gắng nổi bật và thành công, và không được nghĩ mình là bất cứ điều gì đặc biệt).

Serpentine Gallery Pavilion (London)

Sự kết hợp giữa tài năng và nghị lực đã mang lại cho Ingels nhiều hợp đồng đắt giá ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, mặc dù hầu hết các hợp đồng này đều đến từ những khách hàng trong nước. Năm 2010 đánh dấu một bước ngoặt đối với BIG cũng như chính Ingels. Đó là khi anh chuyển đến New York, thoát khỏi “xiềng xích” của chủ nghĩa Janteloven để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh ở một thị trường lớn hơn nhiều.

Nhà máy xử lý rác thành năng lượng Amager Bakke, Copenhagen

Tại thị trường này, Ingels nhận được nhiều hợp đồng, bao gồm một đề xuất từ Obrist, người vào năm 2016 để đã thuê anh thiết kế gian hàng mùa hè cho Serpentine Galleries. Mỗi năm, Obrist giao nhiệm vụ cho một kiến trúc sư hiện thực hóa một tòa nhà giả tưởng tại chỗ, và Ingels vinh dự được tiếp bước các bậc tiền bối như Frank Gehry, Zaha Hadid và ông chủ cũ của anh, Koolhaas. Thiết kế của Ingels được mô tả là “một trong những gian hàng ấn tượng nhất”, làm từ những viên gạch bằng sợi thủy tinh xếp chồng lên nhau thành một cấu trúc có khả năng thay đổi hình dạng giống hệt như một bức tường leo núi đầy tính nghệ thuật.

Sự ra đời của cậu con trai vào cuối năm 2018 đã khiến Ingels phải bay về Copenhagen nhiều hơn, nhưng New York vẫn là trọng tâm công việc của anh. BIG đã hoàn thành một tòa nhà ở Manhattan – khu căn hộ 44 tầng Via 57 West hình kim tự tháp, và còn một số tòa tháp nữa đang được triển khai. “Nếu New York là một quốc gia, thì đó sẽ là quốc gia trên thế giới mà chúng tôi có nhiều công việc nhất”. Một trong số hàng chục tòa nhà khác quy mô được xây dựng là bảo tàng Audemars Piguet ở Thụy Sĩ – một không gian bằng kính hình xoắn ốc đậm chất đương đại tọa lạc cạnh tòa nhà lâu đời nhất của Audemars Piguet ở Vallée de Joux, nơi Jules Louis Audemars và Edward Auguste Piguet đã mở xưởng chế tác đầu tiên vào năm 1875.

Trong danh mục của Ingels, gần như rất ít dự án nhà ở cá nhân. Nhưng Panda House lại không dành cho con người, mà là không gian của cặp gấu trúc khổng lồ. Thật khó mà liệt kê hết danh mục dự án của Ingels, và đằng sau mỗi dự án đều chứa đựng một câu chuyện thú vị – câu chuyện Mr. BIG!

(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 10 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Bất động sản”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây)