Nhân dịp ra mắt bộ sưu tập Juliette tại Việt Nam, bà Vittoria Vitaloni, Giám đốc Thương mại toàn cầu của Frette đã chia sẻ nhiều điều thú vị về triết ký kinh doanh của hãng xoay quanh bộ sưu tập đẳng cấp này.

Bà có thể chia sẻ với độc giả Robb Report về thương hiệu Frette?

Frette nổi tiếng với các sản phẩm dệt cao cấp dành cho phòng ngủ và nhà tắm. Thương hiệu này được thành lập vào năm 1860 tại Grenoble, Pháp và chuyển đến Concorezzo của Ý 5 năm sau đó. Từ những khách hàng đầu tiên là các hoàng tộc danh giá như nữ hoàng Margherita của xứ Savoy và hơn 500 khách hàng thuộc dòng dõi quý tộc, hoàng gia khác tại châu Âu, Frette đã mở rộng danh mục khách hàng của mình sang lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp như Danieli Venice, Ritz-Carlton Paris, Claridge Luân Đôn, Peninsula Hồng Kông, Raffles Singapore…; các hãng hàng không, lữ hành, spa và du thuyền danh tiếng như Qatar Airway, Orient Express, Dior Institut Spa, Disney Cruise, … Các mẫu thiết kế của Frette được lấy cảm hứng từ nghệ thuật và văn hóa của nhiều quốc gia cũng như từ những ý tưởng và mẫu thiết kế thời trang mới nhất để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng trên khắp thế giới.

Hiện tại, sản phẩm của Frette hiện diện tại hệ thống cửa hàng boutique do hãng sở hữu cũng như trong khuôn khổ hợp tác với các đối tác trên toàn cầu, từ Paris, Milan, Rome, Luân Đôn, Hồng Kông, cho tới Tokyo, Singapore…

Chuyến thăm Việt Nam của bà gắn với việc giới thiệu bộ sưu tập mới có tên gọi Julliete. Điều gì khiến bộ sưu tập này trở nên đặc biệt so với các sản phẩm khác, thưa bà?

Lấy cảm hứng từ một tấm vải lụa thêu thượng phẩm được dệt tại Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 và được tìm thấy sau đó trong một ngôi nhà thuộc thành phố Lyon (Pháp), bộ sưu tập Juliette bao gồm một vỏ chăn lông và hai chiếc vỏ gối lớn hình vuông, được trang trí bằng những nhành hoa thanh nhã theo tông màu ngà và màu hồng, thêu trên nền lụa màu khói xanh. Bên cạnh đó, đường chỉ ánh bạc xen lẫn càng tô điểm thêm cho bức tranh họa tiết tuyệt đẹp từ hoa tử đằng, hoa chuông, hoa thược dược và hoa khiên ngưu.

Juliette là kết quả của quy trình thiết kế CAD cẩn thận sau gần 160 giờ làm việc thủ công của các nghệ nhân. Chính quy trình làm việc thủ công này đã làm nên nét độc đáo đặc biệt cho sản phẩm, đặc biệt là các kỹ thuật dệt sợi dọc nổi giúp mang lại vẻ tinh tế cho sản phẩm.

Mặc dù có tới 91 kiểu sợi dọc cùng sự hiện diện đáng chú ý của các loại sợi lurex, bộ sưu tập này vẫn mang kết cấu mềm mại và thanh lịch nhờ việc lựa chọn cẩn thận của các loại sợi như tơ tằm, viscose và lamè được kết hợp hài hòa với nhau.

Về mặt kỹ thuật, đây là một loại vải độc quyền kể từ khi được dệt trên khung cửi Dornier Jacquard của Frette. Một tính năng quan trọng của khung dệt này là mỗi sợi vải có thể giảm độ dài tính bằng xăng-ti-mét, giúp thể hiện rõ nét các mô-típ lá, hoa hay các cành cây.

Bộ sưu tập Juliette được thực hiện với tay nghề thủ công đỉnh cao của các nghệ nhân Frette. Chính vì thế, thời gian cần thiết để tạo ra bộ sưu tập Juliette chậm hơn so với tiêu chuẩn 30%, do đó, mỗi ngày, chỉ có 15 mét vải có thể được sản xuất. Có thể nói, sản phẩm của Frette là kết tinh của truyền thống, tinh thần Ý với ý tưởng sáng tạo, tình yêu và tay nghề thủ công đỉnh cao của các thế hệ nghệ nhân lành nghề. Và đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của Frette nói chung và bộ sưu tập Juliette nói riêng so với các sản phẩm cao cấp khác trên thị trường.

Thị trường châu Á nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng hiện đóng vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển của Frette?

Sản phẩm của Frette hiện diện tại nhiều quốc gia, thành phố trọng điểm ở châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Việt Nam. Mặc dù doanh số bán hàng tại châu Á hiện chỉ chiếm 10% so với doanh số chung của hãng trên toàn cầu, nhưng chúng tôi đặt niềm tin vào thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cũng giống như các thị trường khác ở Hoa Kỳ và châu Âu, Frette tập trung vào ba mảng kinh doanh chính tại châu Á là bán lẻ, bán buôn và dịch vụ tuỳ biến theo yêu cầu cá nhân (bespoke). Dù mới gia nhập thị trường Việt Nam thông qua sự hợp tác với Eurasia Concept, nhưng chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường này. Với dân số hơn 90 triệu người cùng mức thu nhập tính trên đầu người ngày càng tăng, Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn đối với các thương hiệu xa xỉ, trong đó có Frette. Điều may mắn là đối tác của chúng tôi, Eurasia Concept, có nhiều lợi thế trong lĩnh vực phân phối sản phẩm nội thất trứ danh thế gioiws hay thương hiệu về vật phẩm trang trí từ pha lê, thủy tinh, đá quý; thương hiệu vải vóc…Cùng với Eurasia Concept, chúng tôi cũng đang có kế hoạch tiếp cận thị trường Hà Nội thông qua các hoạt động tổ chức sự kiện tại khu vực này.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!