Hẳn không ít tín đồ đồng hồ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, nước tiểu ngựa lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những chiếc đồng hồ điểm chuông Métiers d’Art độc nhất vô nhị có giá trị lên đến hàng trăm ngàn Mỹ kim của nhà chế tác đồng hồ lâu đời nhất ở Geneva.

Theo lý giải của Christian Selmoni – Giám đốc Phong cách và Di sản của Vacheron Constantin – nhiều năm trước, các nhà làm đồng hồ đã sử dụng nước tiểu ngựa, đặc biệt là từ ngựa cái, để tạo nên bộ chiêng thép trong đồng hồ điểm chuông thời kỳ đầu. Thép được nung lên đến ngưỡng 1.000 độ C trước khi nhúng vào nước tiểu ngựa, và qua quá trình kết tinh, bề mặt thép trở nên cứng cáp mà vẫn đảm bảo độ dẻo của kim loại này. “Chúng tôi không còn sử dụng kỹ thuật này nữa. Tuy nhiên, nếu bạn là khách hàng của bộ phận Les Cabinotiers và mong muốn chiếc đồng hồ điểm chuông của mình được chế tác theo phương pháp truyền thống đó, chúng tôi vẫn rất sẵn lòng đáp ứng”.

Đó chỉ là một trong những chia sẻ thú vị từ người đàn ông 60 tuổi trong chuyến công du đến Singapore vào năm 2019 để giới thiệu bộ sưu tập La Musique du Temps được chế tác bởi bộ phận Les Cabinotiers của nhà Vacheron Constantin. “Thực ra, Les Cabinotiers không phải là một bộ sưu tập”, Selmoni cho hay. “Les Cabinotiers là biểu trưng cho những thiết kế độc nhất vô nhị. Nếu ví các dòng sản phẩm của Vacheron Constantin như một kim tự tháp, thì Les Cabinotiers sẽ nằm trên đỉnh của ngọn tháp đó xét về kỹ nghệ làm đồng hồ lẫn trang trí hoàn thiện. Tôi không thể xem khái niệm này như các bộ sưu tập. Nếu chúng tôi là một nhà chế tạo xe hơi, thì Les Cabinotiers có thể ví như đội đua Công thức 1 của hãng”.

Theo đó, bộ phận Les Cabinotiers được thành lập vào năm 2006 với ý tưởng để “tái kết nối với những chiếc đồng hồ từng được đặt hàng trong quá khứ”. Truyền thống đó đã được kế tục từ thế kỷ thứ 18 và bị trì hoãn sau Thế chiến thứ hai. Ban đầu, Les Cabinotiers là dịch vụ chuyên xử lý các đơn đặt hàng, được biết đến với tên gọi “Atelier Cabinotiers”. Theo Selmoni, bộ phận này không chỉ là “một xưởng chế tác nhỏ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, mà còn là “phòng thí nghiệm các sáng tạo của thương hiệu trong thế giới chế tác đồng hồ”.

Một trong những cỗ máy đếm thời gian đầu tiên được một vị khách ẩn danh đặt hàng vào năm 2011 là “Vladimir” – đồng hồ thiên văn với 17 tính năng được cấu tạo từ 891 chi tiết. Rõ ràng đây là điềm báo cho một kỷ nguyên rực rỡ sắp diễn ra. Vào năm 2015, tình cờ trùng hợp với dịp kỷ niệm 260 năm ngày thành lập thương hiệu Vacheron Constantin, bộ phận chế tác này tiếp tục giới thiệu chiếc đồng hồ bỏ túi Reference 57260, sở hữu 57 tính năng, vẫn được xem như một trong những chiếc đồng hồ cơ phức tạp nhất từng được chế tạo. “Đó là đơn hàng lớn đầu tiên của Les Cabinotiers, chúng tôi mất đến 8 năm để hoàn thiện nó”.

Sau khi Louis Ferla tiếp quản vị trí CEO của Vacheron Constantin vào năm 2017, xưởng chế tác sang trang mới. Thay vì chờ đơn đặt hàng của khách, thương hiệu quyết định tạo ra một sê-ri các thiết kế độc bản và giới thiệu chúng cho các quý ông lắm của nhiều tiền. Vào cuối năm 2017, thương hiệu đã ra mắt các tuyệt tác đồng hồ này ở Kyoto. Năm 2018, Vacheron Constantin giới thiệu đến công chúng tại Paris những thiết kế Les Cabinotiers Mécaniques Sauvages, lấy cảm hứng từ thế giới động vật.

Không chỉ bên ngoài mà bộ máy đồng hồ bên trong cũng được hoàn thiện đặc biệt tinh xảo

Tiếp theo đó là Les Cabinotiers La Musique du Temps – bộ sưu tập ra mắt vào năm 2019 tại Singapore, bao gồm 40 tạo tác mang vẻ riêng biệt – là bản giao hưởng hoàn mỹ của những chiếc đồng hồ điểm chuông. Tất cả đều độc nhất vô nhị, từ chiếc Minute Repeater Ultra-Thin với kiểu dáng giản đơn nhưng ẩn chứa cỗ máy phức tạp, cho đến mẫu đồng hồ siêu phức tạp Symphonia Grande Sonnerie “The Sixth Symphony” với bộ vỏ chạm khắc một phần tổng phổ bản giao hưởng Số 6 nổi tiếng của nhà soạn nhạc Beethoven.

Tay nghề của Vacheron Constantin trong lĩnh vực chế tác đồng hồ điểm chuông có lẽ không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn luôn tham vọng nâng tầm công nghệ cho dòng đồng hồ điểm chuông, đặc biệt là cải tiến những thiết kế điểm chuông siêu mỏng – hai khía cạnh đặc biệt phức tạp của nghệ thuật chế tác đồng hồ cao cấp. “Bộ máy càng mỏng thì càng khó tạo ra các âm vang lớn và trong trẻo.
Bởi vì những chiếc chiêng phải đặt sát nhau hơn”.

Để minh họa sự khác biệt, ông đã thử nghiệm với một đồng hồ điểm chuông siêu mỏng của Vacheron Constantin được trang bị bộ máy caliber 1731 chỉ dày 3,9 mm, và một đồng hồ sử dụng bộ máy 2755 QP lớn hơn, có lịch vạn niên và dày 7,9 mm. Trong một khán phòng rộn ràng tiếng người huyên náo, chiếc đồng hồ thứ hai dường như mang đến chất âm thú vị, rõ ràng và thậm chí lớn hơn hẳn. “Mọi chuyện trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi cần tinh chỉnh một chiếc đồng hồ điểm chuông với cỗ máy quá mỏng. Tôi nghĩ thương hiệu có thể cải thiện điều này”.

Trang trí cạnh bên của bộ vỏ trên chiếc đồng hồ thuộc BST “La Musique du Temps”

Quá trình nghiên cứu & phát triển đó diễn ra ở xưởng chế tác tại Thụy Sĩ, nhưng tất cả bản thu âm thanh phát ra từ những chiếc đồng hồ điểm chuông Vacheron Constantin đều được lưu trữ tại Studio 2 của Abbey Road Studios ở Luân Đôn – nơi từng lưu dấu các thanh âm kinh điển của The Beatles và Pink Floyd. “Chúng tôi đã liên tục lưu lại tất cả âm thanh của những chiếc đồng hồ điểm chuông từ năm 1992”, Selmoni cho biết. “Bởi vì khi cần sửa chữa hoặc bảo dưỡng các cỗ máy này, chúng tôi phải đảm bảo tính đồng nhất của âm thanh mà chúng tạo ra khi trao lại cho chủ sở hữu.”

(Nội dung trong ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Chín mang chủ đề “Elegance & Sophistication”)