Vì sao các nhà thiết kế trang sức tên tuổi không bao giờ bỏ sót phiên chợ đá quý nào ở sa mạc Arizona?

Đi dọc hành lang của một nhà nghỉ ven đường tồi tàn ở Tucson, tôi có thể ngửi thấy mùi hoắc hương lẫn trong không khí. Trong phòng khách, một gã đàn ông trung niên đang trao một phong bì nhỏ màu trắng được gấp gọn gàng cho ai đó. Nên nhớ, đó không phải là ma túy, mà là một thứ cực kỳ quý hiếm: những viên sapphire màu hồng cam 8 carat. Chào mừng đến với Hội chợ Tucson Gem & Mineral Show!

Tại đây, giữa thị trấn sa mạc này, hàng ngàn thợ khai thác đá quý, các đại lý và nhà thiết kế trang sức từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia vào cuộc hành hương được tổ chức vào mỗi tháng Một và Hai hàng năm tại sa mạc để săn tìm kho báu đá quý giống như những người tiên phong trước đó. Chuyên gia thiết kế người New York Nicholas Varney gần như không bỏ sót một phiên chợ nào tại Arizona trong suốt 25 năm qua.

Thật vậy, vào giữa bữa sáng của chúng tôi tại Hotel Congress, nơi John Dillinger – tên cướp ngân hàng khét tiếng nhất lịch sử từng được mệnh danh là “kẻ thù số một của nước Mỹ” bị bắt vào năm 1934 – một quý bà tóc vàng trông có phần vô duyên bước vào nhà hàng với chiếc khăn lụa pashmina màu hồng quấn quanh cổ cùng khẩu súng ngắn Glock 19 bên hông. Có phải hành vi sử dụng súng của bà ta là để bảo vệ những viên đá quý lấp lánh hay chỉ là thói quen mang súng bên mình của một người dân bản địa khi ra ngoài mỗi ngày?

Hội chợ Tucson Gem & Mineral Show bắt đầu vào năm 1955 như là một sự kiện để các nhà khai thác đá quý địa phương bán hàng tồn kho của mình. Trong hơn 60 năm qua, chợ phiên này đã phát triển thành hội chợ thương mại đá quý danh tiếng nhất thế giới, không chỉ diễn ra tại trung tâm hội nghị địa phương, mà còn tạo sức hút cho cả thành phố buồn tẻ. Mặc dù việc có được một gian hàng tại hội chợ này là rất tốn kém đối với hầu hết các thợ khai thác đá quý, nhưng Tucson lại là một nơi khá dân chủ. Bạn chỉ cần đặt phòng trọ, bày biện hàng hóa của mình, và bán hàng. Kết quả là, khu chợ này cho thấy sự đa dạng về nguồn đá quý cũng như khả năng tiếp cận trực tiếp đội quân khai thác từ nhiều quốc gia như Ethiopia, Thái Lan, Colombia, Madagascar… Nó giống như một viện bảo tàng tự nhiên Smithsonian nhưng ở đó, bạn có thể mua được những viên đá quý được cắt và đánh bóng cẩn thận, có thể vục tay vào cả thùng đá thô, đá hóa thạch, thiên thạch, ngọc mắt mèo, ngọc trai….

Khu chợ này nổi danh là nơi tập trung nguồn đá quý hiếm khó tìm, thu hút cả lớp khách hàng trực tiếp nhờ tình yêu của họ đối với các món đồ trang sức mang thương hiệu Cartier hay Bulgari lẫn các tay săn đá quý tự do thích trữ những tinh thể đá quý có khả năng cân bằng luân xa. Giống như Burning Man (lễ hội văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức thường niên ở sa mạc Black Rock, Nevada, Mỹ) dành cho các tín đồ yêu thích đá quý, Hội chợ Tucson Gem & Mineral Show là nơi hợp nhất mọi người bởi tình yêu đối với đá quý.

“Bạn có thể nhìn thấy ở đây một viên spinel có nguồn gốc từ Việt Nam với giá bán 1,4 triệu USD bên cạnh bộ xương khủng long hóa thạch”, Stephen Webster – một nhà thiết kế trang sức ở Luân Đôn đã tham gia hội chợ Tucson từ năm 1983 – chia sẻ. Trong vài ngày ở đây, tôi cố gắng quan sát cách thức chọn lựa đá của các nhà thiết kế trang sức và phát hiện ra Coomi Bhasin – nhà sáng lập thương hiệu trang sức Coomi ở Ấn Độ – đang săn một viên tourmaline màu xanh lam 226 carat, và Sylva Yeprescent của thương hiệu kim hoàn Sylva & Cie đang lùng sục những mảnh xương khủng long hóa thạch – tức những vật liệu đa dạng có khả năng tạo nên những viên ngọc đáng thèm khát.

Hơn cả trọng lượng hay độ tinh khiết, nguồn gốc xuất xứ hoặc lai lịch của viên đá, Tucson là nơi bạn vi hành vào thế giới đá quý để tìm ra những kho báu bất ngờ. Ở đó, bạn sẽ có thể tìm thấy một viên Alexandrite, loại đá được “cuồng” nhất trên thị trường đá quý thế giới với khả năng thay đổi màu sắc, theo đó, viên đá sẽ có màu ngọc lục bảo vào ban ngày và hóa thành những viên ruby vào ban đêm.

(Nội dung trong ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Chín mang chủ đề “Elegance & Sophistication”)