Tìm hiểu các giác cắt phổ biến trong kỹ thuật chế tác kim hoàn để hiểu rõ hơn về món đồ trang sức mà mình yêu thích.
Việc mang lại hình hài cho những viên đá quý giúp thể hiện được vẻ đẹp tự nhiên là cả một môn khoa học nghiêm túc được loài người nghiên cứu từ đầu thế kỷ XVII và ngày càng hoàn thiện trong nhiều thế kỷ qua.
Ngày nay, các chuyên gia trang sức có thể giúp bạn phân biệt hàng chục loại giác cắt khác nhau, từ kiểu tròn cổ điển cho đến nhiều kiểu cắt sáng tạo khác. Trong lĩnh vực kim hoàn, người ta chia giác cắt đá quý thành hai loại: Dạng tròn là hình dạng phổ biến nhất, tất cả các dạng khác thường được gọi là fancy shape (bao gồm giác cắt hình hạt thóc, hình quả lê, hình oval, hình trái tim, hình chữ nhật góc nhọn…).

Nhẫn Chanel giác cắt emerald màu vàng thuộc dòng Morning in Vendôme của bộ sưu tập Café Society

Chất lượng giác mài được đánh giá dựa trên sự so sánh kích thước mài với tỉ lệ kích thước hình học lý tưởng qua các công thức toán học nhằm đạt độ phản xạ ánh sáng tối đa. Nhiệm vụ của chuyên gia mài cắt kim cương là xác định tỉ lệ tối ưu cũng như loại giác cắt phù hợp nhất với từng viên đá quý.
Tùy thuộc vào kiểu dáng chế tác của trang sức, mỗi hình dạng của viên kim cương có thể đem lại hiệu quả hiển thị khác nhau cho món đồ.
Robb Report lựa chọn 10 loại giác cắt phổ biến nhất trong ngành chế tác kim hoàn cao cấp, giúp bạn hiểu rõ hơn về món trang sức mà mình sở hữu:
Giác cắt tròn

Nhẫn Damiani đính ngọc bích và kim cương mài tròn trong bộ sưu tập Belle Époche

Đây là kiểu cắt đá quý cổ điển thường được áp dụng trong chế tác kim cương. Từ thế kỷ XVII, kim cương đã được cắt với 57 mặt (33 mặt phía trên và 24 mặt phía dưới). Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, kiểu cắt này đã có được tỉ lệ cắt lý tưởng.
Giác cắt emerald

Vòng cổ Cleef & Arpels với giác căt emerald thuộc dòng La Forêt Enchentée thuộc bộ sưu tập Peau d’Âne

Giác cắt này đặc biệt ở cấu trúc xếp tầng với các mặt được cắt theo hình chữ nhật. Giác cắt này khiến đá quý trông kém lấp lánh và rực rỡ nhưng lại tinh khiết hơn so với các dạng cắt khác, Tương đối giống với kiểu chế tác hình vuông (hoặc hình chữ nhật) nếu nhìn từ trên xuống với góc được làm vát, kiểu cắt emerald làm nổi bật độ tinh khiết của viên đá. Kiểu cắt này được phát triển đặc biệt cho ngọc lục bảo nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của áp lực tác dụng lên viên đá trong quá trình chế tác.
Giác cắt đệm (cushion)

Nhẫn Fabergé từ đá spinel hồng với giác cắt đệm trong bộ sưu tập Febergé Impérial

Đây là kiểu cắt tạo nên những viên đá dưới dạng hình vuông và hình chữ nhật nhưng tròn ở các góc. Số lượng các mặt phẳng được đánh bóng lý tưởng cho kiểu chế tác này là 64. Đặc trưng của kiểu cắt đệm nhờ các vết cắt màu sâu và rộng, giúp tối đa hóa sự phản xạ của ánh sáng trên viên đá. Mới nhìn qua viên đá chế tác theo kiểu này, bạn có thể liên tưởng đến những chiếc ghế shoo-pha thời cuối thế kỷ 19 ở châu Âu.
Giác cắt hình quả lê

Trâm cài Pink Flower từ kim cương đỏ cam với giác cắt hình quả lê của hãng kim hoàn Graff

Loại giác cắt này là một kiểu chế tác lai ghép, kết hợp giữa kiểu oval và marquise, có hình dáng giống như một giọt nước lấp lánh. Một viên đá chế tác theo kiểu này được đánh giá là đẹp khi các mặt đánh bóng xếp thành hàng giống như đai vòng. Nhiều viên đá có giá trị “khủng” được chế tác với giác cắt hình quả lê, chẳng hạn như viên kim cương lớn nhất thế giới Cullinan (được gắn trên vương trượng của Hoàng gia Vương quốc Anh).
Giác cắt hình oval

Nhẫn Louis Vuitton từ đá thạch lựu màu vàng quýt với giác cắt hình oval trong bộ sưu tập Acte V

Tên gọi của giác cắt này gắn với hình elip của viên đá nếu nhìn từ trên xuống. Số lượng mặt mài tiêu chuẩn của một viên đá với giác cắt oval là 57. Hình khối này cũng khiến viên đá trở nên cân đối hơn, lấp lánh những tia sáng như có ánh lửa.

Giác cắt hình que (baguette)

Nhẫn Dior Verticale Godet từ kim cương không màu với giác cắt hình que trong bộ sưu tập Archi Dior

Kiểu cắt này thường được ứng dụng đối với các loại đá quý có xuất xứ từ phương Đông. Số lượng các mặt phẳng đánh bóng hợp lý cho kiểu hình khối này là 33 (12 phía trên và 16 phía dưới, chưa kể phần gờ). Kiểu chế tác Baguette phù hợp nhất với những viên đá có hình dạng thô như tourmaline hoặc aquamarine.
Giác cắt hình bầu dục (marquise)

Khuyên tai từ sapphire xanh với giác cắt hình bầu dục trong bộ sưu tập Extremely Piaget của Piaget

Đây là kiểu chế tác lấy cảm hứng từ nụ cười quyến rũ của nữ Công tước Madame de Pompadour, người tình nổi tiếng của vua Louis XV (Pháp). Tên gọi của kiểu cắt này gắn với hình quả bóng bầu dục của đá quý nếu nhìn từ trên xuống. Số lượng mặt phẳng được đánh bóng lý tưởng cho kiểu chế tác này là 55.
Giác cắt hình trái tim

Khuyên tai từ ngọc lục bảo với giác cắt hình trái tim trong bộ sưu tập Red Carpet của Chopard

Giác cắt này trông gần giống với kiểu cắt hình quả lê với một mặt lõm hàm ếch ở phía đầu viên đá. Số lượng mặt phẳng được đánh bóng cho kiểu chế tác hình trái tim là 57 (34 mặt ở phần trên và 23 mặt ở phần dưới). Trong số các giác cắt đá quý thì đây là loại thể hiện rõ nhất cung bậc cảm xúc của tình yêu.
Giác cắt Cabochon

Vòng cổ từ hồng ngọc với giác cắt Cabochon trong bộ sưu tập Musa của Bulgari

Một viên đá với giác cắt Cabochon được đánh bóng với mặt đáy bằng hoặc hơi cong và phía trên cong tròn hình chỏm cầu hoặc mái vòm. Đây là hình thức lâu đời và phổ biến nhất trong chế tác đá quý, gồm bước định hình và đánh bóng nhưng không mài cắt. Trong thời kỳ cổ đại, đây gần như là lựa chọn duy nhất bởi sự hiểu biết hạn chế về cấu trúc tinh thể của các loại đá. Một số đồ trang sức cổ xưa đẹp nhất đã được thực hiện với giác cắt Cabochon như bộ trang sức của Hoàng gia Đông Ấn Độ.
Giác cắt Briolette

Nhẫn de Grisogono từ ngọc lục bảo với giác cắt Briolette trong bộ sưu tập Melody of Colours

Giác cắt này tạo nên những viên đá hình quả lê/hoặc giọt nước được bao phủ bởi các mặt mài và phần kết thúc là một điểm nhọn – một hình khối thuộc loại khó chế tác nhất, đòi hỏi độ hoàn hảo, đồng nhất từ trên xuống dưới. Đá quý chế tác theo kiểu Briolette được tìm thấy trong đồ trang sức từ thời Victoria, Edwardian và Art Deco.