Những game thủ tuổi teen kiếm hàng triệu USD trong lĩnh vực thể thao điện tử.

Khi trận đấu lên đến đỉnh điểm, Kyle Giersdorf đã ở trong khu vực cấm địa. Vận động viên đã định vị mình ở vị trí thuận lợi trên sân. Giersdorf đang dẫn đầu với 15 điểm chỉ huy để bước vào vòng chung kết. Khi trận đấu kết thúc, khán đài gần như bùng nổ bởi tiếng reo hò. Chàng trai 16 tuổi bước xuống bục lễ để nhận danh hiệu và giải thưởng 3 triệu USD. Anh là Nhà vô địch Thế giới của Fortnite.

Tựa game Forrnite

Đúng, đó là Fortnite – trò chơi trực tuyến được phát hành năm 2017, thuộc thể loại bắn súng sinh tồn trong thế giới mở, nơi người chơi thu thập tài nguyên, vũ khí và các công cụ để giúp cho nhân vật mình điều khiển có thể tồn tại lâu nhất. Khoảng 40 triệu người chơi triển vọng ở các hạng mục đơn và đôi đã đọ sức trong các vòng loại mở do Epic Games – nhà phát triển và phát hành trò chơi Fortnite – tài trợ. Quá trình đọ sức này diễn ra trong 10 tuần vào năm 2019 và quy tụ những tài năng hàng đầu từ hơn 200 quốc gia. Chỉ có 100 game thủ tranh tài solo – trong số đó có Giersdorf – chàng trai 16 tuổi lọt vào vòng chung kết tại Arthur Ashe, New York.

Giersdorf, game thủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử giành được chức vô địch giải solo World Cup Fortnite

Thành công dường như chỉ qua một đêm của Giersdorf chẳng phải là hiện tượng khác thường trong thể thao điện tử. Bản chất thực của thể thao điện tử là một lý do khiến cho loại hình thể thao này có sức hút đáng nể. Theo công ty dữ liệu trò chơi Newzoo, eSports sẽ tạo ra doanh thu 1,8 tỷ USD trong 2022.

Phần lớn con số đó đến từ bản quyền truyền thông và cơ hội tài trợ, với lượng khán giả phát trực tiếp toàn cầu là 663 triệu vào năm 2020 – một con số hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với các thương hiệu. Tốc độ tăng trưởng của thể thao điện tử đã được đo lường trong thế kỷ này. Nhiều người coi giải đấu Spacewar với khoảng 20 người chơi tại Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo của Đại học Stanford vào năm 1972 là cuộc thi thể thao điện tử chính thức đầu tiên, nhưng các cuộc thi ở quy mô lớn hơn với nhiều giải thưởng quan trọng hơn – người chiến thắng Spacewar đã được tặng một năm đọc tạp chí Rolling Stone miễn phí – đã không thành hiện thực cho đến khoảng đầu thập niên 2000, khi các sự kiện StarCraft ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc và các sự kiện như giải Red Annihilation cho trò chơi Quake dần dần xuất hiện ở Mỹ. Nhà vô địch Red Annihilation năm 1997, sinh viên đại học Dennis Fong, đã “rinh” về một chiếc Ferrari 328 GTS – quái xế từng thuộc sở hữu của lập trình viên trò chơi này. Nói vậy để thấy rằng, trò chơi game không chỉ dành cho những người đam mê máy tính nữa.

Các vận động viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, thường là nam giới, có thể kiếm được mức lương từ sáu con số trở lên, và cộng với thu nhập từ giải thưởng, con số cuối cùng sẽ lên đến hàng triệu Mỹ kim, trong các đội chơi thuộc sở hữu của những ông trùm thể thao như Robert Kraft từ New England Patriots và Jerry Jones đến từ Dallas Cowboys.

Vận động viên chiến thắng trong lịch sử ngắn hạn của esports là Johan “N0tail” Sundstein, ngôi sao Dota 2 với tổng giải thưởng trọn đời là 6,9 triệu USD. Chàng trai 28 tuổi này hiện là đội trưởng Dota 2. Trong khi đó, số tiền 3 triệu USD tại World Cup của Giersdorf lớn hơn số tiền mà Tiger Woods nhận được tại Masters 2019. Quả là khoản tiền không nhỏ cho một công việc thực sự đầu tiên trong đời một thiếu niên 16 tuổi.

Tròn 19 tuổi vào năm nay, Giersdorf lớn lên ở Pottsgrove, Penn, một vùng ngoại ô nhỏ phía Tây Bắc Philadelphia. Một số tựa game yêu thích của Giersdorf là LittleBigPlanet – trò chơi đậm chất Pixar – và Call of Duty. Cả hai trò chơi dường như khác nhau một cách kỳ lạ, nhưng những điều đối lập lại thu hút Giersdorf.

Giersdorf đã nhận được khoản tiền lớn đầu tiên của mình vào năm 2018. Tại một sự kiện nhỏ ở một cửa hàng của Microsoft, Giersdorf đã về đích ở vị trí thứ hai và giành được 5.000 USD. Giersdorf mới chỉ tập luyện Fortnite khoảng một năm trước khi thi đấu tại World Cup. “Đó chắc chắn là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời tôi,” chàng trai cho biết.

Hiện nay, Giersdorf được biết đến nhiều nhất qua bí danh “Bugha”, tên thú cưng mà ông nội của chàng trai đặt cho thời nhỏ. Anh chơi Fortnite cho đội Sentinels, đồng thời xuất hiện trong quảng cáo món súp hummus Sabra, và đã phát hành Bộ sưu tập phụ kiện Bugha Gaming Collection. Điều thú vị là chàng trai hoàn thành chương trình trung học phổ thông thông qua các lớp học trực tuyến.

Giersdorf và các vận động viên thể thao điện tử khác cũng kiếm tiền bằng cách hoạt động trên Twitch, một nền tảng phát trực tiếp phổ biến đã được Amazon mua lại với giá 970 triệu USD vào năm 2014.

Những tay chơi cừ khôi có thể kiếm tiền từ Chương trình Đối tác Twitch thông qua quảng cáo, đăng ký thành viên và đưa ra lời khuyên trong cuộc trò chuyện với khán giả. Những game thủ đẳng cấp thế giới như Giersdorf có thể nhận được nhiều hợp đồng phát trực tuyến độc quyền hấp dẫn hơn. Hầu hết đều giữ kín mức thu nhập trên Twitch của họ, với một vài trường hợp ngoại lệ. Streamer nổi tiếng Jeremy Wang tiết lộ vào năm 2018 rằng mình đã kiếm được 20.000 USD mỗi tháng từ nền tảng này. Vào thời điểm đó, Jeremy Wang có 800.000 người theo dõi Twitch, còn Giersdorf – 4,1 triệu người.

Đối tượng chính của eSports – những người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 34 – là một trong những nhóm nhân khẩu học được tìm kiếm nhiều nhất và khó nắm bắt nhất, đặc biệt là đối với các môn thể thao truyền thống như bóng đá và bóng chày. “Để chơi một trò chơi thực sự hiệu suất cao, bạn cần một hệ thống thực sự đắt tiền. Đứa trẻ nào có thể mua một chiếc máy tính trị giá 2.000 USD? Đó thực sự phải là phân khúc người chơi có thu nhập.” – Dan Dinh, đồng sáng lập và chủ tịch của TSM, một tổ chức thể thao điện tử toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết.

Rào cản này có thể đúng ở Mỹ, nhưng chưa chắc đã đúng ở mọi nơi. Tại Hàn Quốc, hầu như bất kỳ ai cũng có thể đến chơi tại PC bang, một trung tâm trò chơi, nơi khách hàng trả khoảng 1 USD cho một giờ (hoặc ít hơn) để được sử dụng máy tính cao cấp. Trung tâm này khiến cho trò chơi trở nên không chỉ bình đẳng hơn, mà còn mang tính xã hội hơn – và đã giúp tạo nên những ngôi sao như Seunghoon Heo, người được biết đến nhiều hơn với bí danh “Huni”. “Nếu không chơi StarCraft, bạn sẽ không thể nói chuyện với bạn bè.” – Heo cho biết.

StarCraft ra mắt vào năm 1998, năm mà cặp đôi sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford tên là Larry Page và Sergey Brin thành lập Google trong garage để xe của một người bạn chung. Là một trò chơi chưa bao giờ phổ biến ở Hoa Kỳ, nhưng ở Hàn Quốc, StarCraft phần lớn được công nhận là một trong những nền thể thao điện tử lớn đầu tiên, với các giải đấu nổi tiếng có từ năm 2003 và được tài trợ bởi Samsung cùng các công ty lớn khác. Tuy nhiên, đó không phải là trò chơi mà Heo chọn lựa. Chàng trai này đã chọn League of Legends (Liên minh huyền thoại) vào năm 2012 và hầu như kể từ khi trở thành vận động viên chuyên nghiệp ở tuổi 17, mỗi ngày anh dành ra trung bình 12 đến 14 giờ luyện tập. Liên minh huyền thoại đã bùng nổ về mức độ phổ biến: Trận chung kết Giải vô địch thế giới năm 2020 có lượng khán giả trung bình là 23 triệu người xem – mỗi phút.

SeungHoon Heo, ngôi sao của trò chơi Liên Minh Huyền Thoại.

Heo ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Fnatic và chuyển đến đội nhà ở Berlin vào năm 2015. Anh trở lại Hàn Quốc vào năm 2017 để thi đấu cho SK Telecom T1, một trong những đội xuất sắc nhất thế giới, để chuẩn bị tham dự Giải vô địch thế giới Liên minh huyền thoại tại Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh. “Tôi đã chơi trước 45.000 người. Họ gào hét tên tôi, và sân khấu thì như muốn rung chuyển” – anh nói. Heo và SK Telecom đã hoàn thành ở vị trí thứ hai chung cuộc, xếp sau Samsung Galaxy, một đội khác của Hàn Quốc. Heo hiện đang chơi cho TSM ở Los Angeles và thi đấu trong Giải vô địch Liên minh huyền thoại, một vòng đấu khu vực bao gồm Mỹ và Canada và là nơi có mức lương trung bình cho một vận động viên ở khoảng 463.000 USD/năm. Trong khi đó, hợp đồng của Lee tại SK Telecom mang lại cho anh ưu đãi cổ phần.

Tựa game Liên Minh Huyền Thoại

Nhưng hành trình đến với thể thao điện tử chuyên nghiệp có thể là một cuộc chiến khó khăn. “Ban đầu, gia đình tôi không chấp nhận việc tôi chơi game hay tham gia bất cứ trò chơi thể thao điện tử nào”, Jake Yip, một vận động viên Counter-Strike: Global Offensive (CS: GO) chuyên nghiệp với bí danh “Stewie2k”, cho biết. Yip lớn lên ở San Francisco và thường xuyên mâu thuẫn với cha mẹ khi nói đến CS: GO. Cậu thiếu niên thi chơi trò nhặt rác đến khuya, điều này khiến cậu ngủ quên vào ngày hôm sau và buộc phải cúp học. Nhiều khi, cha mẹ Yip – vốn thường đi công tác nước ngoài – đã tịch thu máy tính của anh. Đương nhiên, họ từ chối ký hợp đồng, đó là lý do tại sao Yip phải đợi đến năm 18 tuổi để chính thức nói lời đồng ý với Cloud9, một đội chơi có trụ sở tại Santa Monica và là một trong những tên tuổi lớn nhất của CS: GO ở Bắc Mỹ. Ngay cả khi đó, cha mẹ Yip vẫn phản đối.

Jake “Stewie2K” Yip, ngôi sao trẻ tuổi của nền CS Bắc Mỹ

Hiện nay, vận động viên chuyên nghiệp 24 tuổi này đã thi đấu được 5 năm. Anh đã thu về hơn 1 triệu USD tiền thưởng trong thời gian đó và là vận động viên Bắc Mỹ đầu tiên cùng với các đồng đội của mình đoạt chức vô địch của CS: GO.


(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 8 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Sport Ultimate Luxury”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)


 

 

Vô số những tạo tác trang sức độc đáo cùng các kỳ quan cơ khí ấn tượng sẽ có mặt tại “UltraLuxe 2022” – Triển lãm hàng xa xỉ quy mô nhất châu Á sắp diễn ra tại Singapore. Click vào banner để biết thêm thông tin chi tiết!