Khám phá quy trình chế tác trang sức cao cấp của thương hiệu Cartier.

Dù những tiến bộ công nghệ đã thâm nhập vào từng khía cạnh sản xuất, song điều đó dường như không ảnh hưởng đến gian phòng bí mật – xưởng chế tác của Cartier, tọa lạc phía trên cửa hiệu xa hoa nằm ở phố Rue de la Paix, Paris.
Được Jacques Cartier tạo dựng vào năm 1929, xưởng kim hoàn này là nơi làm việc của 50 bậc thầy chế tác nỗ lực làm việc không ngừng để biến các viên đá quý và kim loại đắt tiền trở thành những món trang sức đầy duyên dáng và nghệ thuật bằng đôi bàn tay khéo léo của mình.
Đây chính là nơi khai sinh những món trang sức cao cấp – những tuyệt tác nghệ thuật tinh xảo nhất của thương hiệu, bằng kĩ thuật và công cụ đã được sử dụng trong ngành kim hoàn qua hàng thế kỉ.
Quá trình tinh tuyển đá quý và chế tác một mẫu trang sức cao cấp ngốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi bộ sưu tập trang sức cao cấp Coloratura được giới thiệu trước báo chí và giới quý tộc cùng những người mộ điệu trong một sự kiện đầy phô trương tại Paris vào tháng 7 vừa qua, chỉ bao gồm vỏn vẹn 80 mẫu.
Robb Report đã có dịp tham quan xưởng chế tác và theo dõi quá trình tạo nên chiếc vòng cổ Coloratura từ hơn 600 viên đá rubellite đỏ, 2 viên spinel màu hồng cam và vô số kim cương.
Phác thảo
Một món trang sức cao cấp của Cartier thường khởi đầu với những viên đá độc đáo và quý hiếm. Nhóm thiết kế sẽ thử kết hợp nhiều loại đá khác nhau rồi truyền đạt ý tưởng đó với một nghệ sĩ để tạo thành các bản mẫu phác thảo chi tiết trước khi chọn ra thiết kế chính thức. “Đối với bộ sưu tập này, sự hài hòa về màu sắc tạo nên những hiệu ứng thị giác đặc biệt là điều rất quan trọng”, Yves Prudent, giám đốc xưởng chế tác trang sức cao cấp, cho biết.

Đính đá
Đây là bước đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân khi phải sử dụng chiếc kìm kim loại nhỏ để thao tác với đá quý một cách đặc biệt cẩn trọng vì những viên ngọc và kim loại rất dễ bị hư hại trong quá trình thực hiện. Để hạn chế rủi ro, khung kim loại được đặt tạm thời trên một tấm sáp đính vào một trụ, tạo thành giá đỡ cho nghệ nhân thao tác.

Đúc khuôn
Chỉ một số ít nghệ nhân sở hữu kỹ thuật lão luyện mới có thể tạo nên những khuôn sáp thủ công để đúc vàng hoặc bạch kim. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ đặc biệt – nếu nghệ nhân chỉ trượt tay một lần, khung sáp sẽ bị hỏng và nghệ nhân phải làm lại từ đầu.

Đánh bóng
Trong quá trình chế tác, mỗi góc cạnh của trang sức đều được đánh bóng liên tục nhằm đảm bảo tác phẩm cuối cùng sẽ lấp lánh ấn tượng. Nghệ nhân sử dụng hàng loạt công cụ từ bàn đánh bóng truyền thống, sợi cotton, cho tới những chiếc lông vũ có thể vươn mình đến các góc hẹp mà không làm hỏng món trang sức.

Chạm trổ
Mỗi viên đá đều được chạm trổ và mài giác bởi các chuyên gia. Các mặt đều được mài theo các góc tiêu chuẩn nhằm giúp ánh sáng dễ dàng chiếu xuyên qua viên đá, để đạt được những gam màu và độ phản chiếu tối ưu.

Xâu chuỗi
Để ráp những viên đá đồng màu, có cùng chất lượng và hình dạng, nghệ nhân phải làm việc miệt mà hàng tháng trời. Một khi chuyên gia tại Cartier xử lý, những viên đá này sẽ được xâu lại bằng sợi Kevlar tết siêu nhỏ có độ bền cao.

Lưu trữ
Tác phẩm cuối cùng sẽ được ký tên, đóng số và lưu lại thông tin trong các cuốn sổ ghi chép vốn đã tồn tại hơn 150 năm của Cartier. Ở phòng lưu trữ, mỗi ghi chép của từng món trang sức Pháp đều được lưu giữ cẩn thận. Những chi tiết này được lập thành các catalogue để chủ nhân có thể xác minh từng thành tố của một tác phẩm nghệ thuật, và khi đó, nó đã trở thành một bảo vật gia truyền hoặc món đồ bán đấu giá.