Một người biết nhìn xa trông rộng, một doanh nhân nhạy bén, đó là những từ thường được dùng để mô tả về Bernard Arnault – CEO của tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH.

Bernard Arnault, tên đầy đủ là Bernard Jean Étienne Arnault, sinh ngày 05 tháng 3 năm 1949 tại Roubaix, Pháp. Sau khi tốt nghiệp Học viện Ecole Polytechnique với bằng kỹ sư, ông tham gia vào doanh nghiệp xây dựng của gia đình và phụ trách công việc kinh doanh khi mới 25 tuổi, nhưng có lẽ tham vọng của chàng trai trẻ này ngay từ khi ấy đã không chỉ giới hạn trong ngành xây dựng.

Bernard Arnault thời trẻ (Ảnh: CNBC)

Năm 1984, khi biết Christian Dior được rao bán, Arnault đã mua lại Boussac – công ty mẹ của thương hiệu – với giá 95 triệu USD, trong đó 15 triệu USD là từ nguồn tiền của gia đình và 80 triệu USD đến từ công ty tài chính Lazard. Dù hứa với chính phủ Pháp về việc khôi phục công ty và đảm bảo việc làm cho người lao động, tuy nhiên theo các báo cáo được ghi chép tại thời điểm đó, chẳng bao lâu sau Arnault đã sa thải 9.000 nhân viên, bán đi gần hết tài sản và chỉ giữ lại thương hiệu Christian Dior cùng cửa hàng bách hóa Le Bon Marché. Thương vụ này giúp Arnault bỏ túi 500 triệu USD.

“Tôi là một người rất cạnh tranh, và tôi luôn thích mình là Số 1”.

Qua thời gian, với tài kinh doanh nhạy bén cùng những chiến lược “cứng rắn” và mang về cho mình những cái tên không mấy thân thiện như “Kẻ hủy diệt” hay “Con sói mặc đồ cashmere” sau nhiều thương vụ, Arnault vẫn khiến cả thế giới phải ngả mũ khi lần lượt thâu tóm nhiều cái tên trong thế giới xa xỉ và trở thành ông chủ của tập đoàn LVMH hùng mạnh với hơn 70 thương hiệu cao cấp, trong đó có thể kể đến Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs…

Ông vua hàng hiệu này hiện nắm trong tay khối tài sản 184,6 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, chỉ sau Jeff Bezos (199,3 tỷ USD) và Elon Musk (190,3 tỷ USD) (Theo Forbes, số liệu ngày 03/9/2021).

Một số thương hiệu trực thuộc Tập đoàn LVMH

Có thể hơi ngạc nhiên khi sự quan tâm ban đầu của Bernard Arnault vốn không nằm ở thế giới xa xỉ. Arnault say mê âm nhạc, nhưng chừng đó chưa đủ để khiến ông trở thành một nghệ sĩ dương cầm. Tỷ phú 70 tuổi này cũng là một người rất đam mê nghệ thuật và có một bộ sưu tập các tác phẩm cá nhân đồ sộ của Andy Warhol, Pablo Picasso và Henry Moore. Ông cũng từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ như Richard Prince, Takashi Murakami, Jeff Koons… để thiết kế các sản phẩm mới cho một số thương hiệu cao cấp của nhà LVMH.

Năm 2014, Bernard Arnault cho khánh thành Bảo tàng nghệ thuật và trung tâm văn hóa Fondation Louis Vuitton, sau 6 năm xây dựng với kinh phí 143 triệu USD. Tòa nhà có diện tích gần 3.900 mét vuông do kiến trúc sư Frank Gehry thiết kế tọa lạc ở Boulogne – một trong những khu rừng rộng nhất Paris – bao gồm nhiều phòng trưng bày và một thính phòng 400 chỗ ngồi, chủ yếu dành cho nghệ thuật đương đại với những tác phẩm trong bộ sưu tập của LVMH và Bernard Arnault.

“Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tập đoàn này, về lâu dài, được điều hành bởi một gia đình người Pháp”, Bernard Arnault chia sẻ.

Bernard Arnault quan niệm thành công của tập đoàn đến từ chất lượng của các sản phẩm họ tạo ra, và là sự góp sức của tất cả những người chung tay tạo nên sản phẩm. Trong chương trình The Brave Ones của CNBC, ông từng chia sẻ về cách chiêu mộ khá thú vị của LVMH đối với các ứng viên: Tập đoàn có các chiến dịch tuyển dụng hướng đến người trẻ tuổi – những người có thể chưa bao giờ thực sự nghĩ về việc mình sẽ trở thành thợ chế tác thủ công, nhưng họ sẵn sàng đồng ý làm việc sau khi được lắng nghe về những ý tưởng hấp dẫn và được đào tạo. “Tỷ lệ thành công của chúng tôi gần 90%”, Arnault cho biết.

Ông cũng nói về hai lợi thế của một công ty gia đình: “Thứ nhất, bạn có thể suy nghĩ dài hạn. Tôi không quan tâm lắm đến những con số của 6 tháng tới mà là sự kỳ vọng về việc thương hiệu sẽ giữ vững được vị thế trong 10 năm tiếp theo. Thứ hai, bạn không chỉ là một phần nhỏ bé trong một thứ gì đó lớn lao, mà là một thành viên trong gia đình và sẽ được quan tâm nhiều hơn”.

Có lẽ trong tương lai gần, LVMH vẫn sẽ được vận hành như một tập đoàn gia đình. Hiện tại, bốn trong số năm người con của Bernard Arnault đang làm việc tại LVMH: Delphine (46 tuổi), Antoine (42 tuổi), Alexandre (29 tuổi) và Frédéric (26 tuổi). Con út của ông – Jean (23 tuổi) – có khả năng sẽ tham gia vào công việc kinh doanh sau khi hoàn tất việc học.