Cơ ngơi ấn tượng này là một phần quan trọng trong lịch sử của thương hiệu xe Anh quốc.

Dù nổi tiếng với các thiết kế có phần tối giản, McLaren lại khá màu mè trong việc bố trí đại bản doanh của mình. Khách VIP được dành riêng một lối đi nằm cuối con đường lộng gió. Khung cảnh bên trái con đường khiến người ta liên tưởng đến ngoại ô vùng Woking, một thị trấn nằm ở Tây Nam của Thủ đô Luân Đôn, Anh quốc. Bên phải con đường là khung cảnh choáng ngợp của Trung tâm công nghệ McLaren (MTC).

Ấy là một công trình đồ sộ mang hình quả thận với thiết kế bo tròn không có góc cạnh. Phía trước là tường kính và một hồ nước nhân tạo tuyệt đẹp. Nhìn từ trên cao, hồ nước và tòa nhà hợp thành một vòng tròn khép kín. Được khánh thành vào năm 2004, công trình của McLaren đã mất đi phần nào nét bóng bẩy và hơi hướng công nghệ ban đầu. Tuy nhiên, như mọi công trình khác được chắp bút bởi kiến trúc sư Norman Foster, Trung tâm công nghệ của McLaren vẫn mang hơi hướng tương lai thấy rõ.

Mọi thứ được bố trí một cách kín kẽ. Không một chi tiết thừa thãi. Tất cả đều có dụng ý. Chẳng hạn, hồ nước nhân tạo phía trước sẽ sắm vai trò hệ thống làm mát cho các máy lạnh và hầm gió xe hơi. Mọi thứ đều rất McLaren – một thương hiệu đề cao tính hiệu quả trong từng sản phẩm.

Tầng trệt của tòa nhà được đặt tên là Broadway với không gian vô cùng thoáng đãng. Lớp tường kính trong suốt giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.

Không gian mở cũng cho phép quan khách chứng kiến sự sôi động bên trong tòa nhà. Đó có thể là cuộc họp của ban giám đốc, sự miệt mài của các chuyên gia đội đua F1 hay hoạt động tùy biến cho dòng Ultimate Series của McLaren.

Tuy nhiên, tâm điểm của Broadway là những dãy xe hơi được xếp ngay ngắn theo dòng lịch sử. Phần lớn đã có tấm hướng gió, cánh gió phía trước và cả khoang lái mở cũng như danh xưng đi kèm. Chúng nằm trong danh mục xe đua thể thao của McLaren. Có chiếc ra mắt từ những năm 60 với nhiều danh hiệu cao quý. Đó có thể là mẫu xe thử nghiệm năm 1969 hay chiếc xe từng giành chiến thắng trên đường đua F1 cùng tay đua kiệt xuất Lewis Hamilton.

Bộ sưu tập danh hiệu của McLaren là một trong những BST đồ sộ nhất thế giới

Dọc theo tường kính là dàn kệ trưng bày khoảng 640 chiếc cúp vô địch các loại. Đây là một trong những bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ bậc nhất của ngành xe hơi. McLaren có một phương châm khá hay: mọi danh hiệu đều thuộc về tập thể, không phải là thành tích cá nhân. Đội đua F1 của hãng dành tổng cộng 182 chiến thắng trong các chặng đua, 8 chức vô địch đồng động và 12 chức vô địch cá nhân.

Tại McLaren, khoảng 3.500 nhân viên làm việc trong 3 bộ phận chính: xe đua, kỹ thuật và xe thương mại. Điều thú vị là bộ phận xe thương mại dù sinh sau đẻ muộn nhưng lại có những thành công nằm ngoài mong đợi. Mẫu xe đường trường đầu tiên là chiếc F1 được giới thiệu vào năm 1992. Siêu phẩm nói trên được trang bị khung gầm các-bon nguyên khối, động cơ V12 6.0L cho công suất 621 mã lực. Hiện tại, 3 trong số 106 chiếc McLaren F1 đang được trưng bày ngay tại Broadway. Dù có tuổi đời gần 30 năm, chiếc F1 vẫn là hình mẫu về mặt khí động học cũng như tốc độ trên các dòng xe sử dụng động cơ hút khí tự nhiên.

Vào cuối thập niên 90, chiếc F1 bị ngưng sản xuất và hoạt động chế tác xe đường trường của McLaren cũng bị ngưng trệ đến tận 2009. Vào năm đó, chiếc MP4-12C được ra mắt. Hai năm sau, Trung tâm sản xuất McLaren (MPC) ra đời và được đặt ngay cạnh Trung tâm công nghệ McLaren. Với diện tích khoảng 34.500m2, đây là nơi chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm đường đua của McLaren sang các dòng xe đường trường. Rõ nét nhất phải kể đến chiếc P1 danh tiếng.

Mảng xe thương mại của McLaren hiện có khoảng 2300 nhân viên. Vào năm 2018, hãng tạo ra chưa tới 5.000 xe. Tất cả đều được chế tác ngay tại MPC. Dây chuyền sản xuất cũng không theo thứ tự. Chỗ này vài chiếc 720S, chỗ kia vài chiếc GT. Lý do là hãng sản xuất theo đơn đặt hàng ngẫu nhiên. Tuy nhiên, với dòng Ultimate Series, McLaren bố trí dây chuyền riêng biệt để hoàn thiện từng chiếc một. Khu vực sản xuất của MPC tĩnh lặng đến lạ thường. Không có quá nhiều máy móc hay robot vì phần lớn xe McLaren được chế tác thủ công. Ở đây thậm chí còn không có băng tải. Thay vào đó, mỗi phụ kiện được đặt lên xe đẩy và vận chuyển bằng sức người. Một chỉ dấu cho thấy sự “nhẹ cân” của xe McLaren nhờ các chất liệu tiên tiến. Mọi thứ đều sạch sẽ tinh tươm như công sở. Cả MPC và MTC đều được kết nối bằng đường hầm đi bộ. Ở McLaren, có một triết lý nổi tiếng: “Điều chưa biết thôi thúc ta chinh phục, không phải là lý do cho sự thoái thác”.

Trong quần thể rộng lớn của McLaren, có một chiếc xe ngoại đạo nằm đơn độc ở một vị trí trung tâm. Đó là chiếc Austin 7 Ulster màu đỏ đời 1929 được độ lại gần như toàn bộ. Hệ thống treo hạ thấp trong khi bộ cản, cửa xe và kính chắn gió được lột sạch. Những việc này được thực hiện bởi cậu nhóc Bruce McLaren người New Zealand, khi đó mới 15 tuổi. Chuyện kể lại rằng, thời đó, cậu cùng cha mình mua lại chiếc Austin chỉ với mục đích độ lại kiếm lời. Tuy nhiên, McLaren đổi ý để rồi giành chiến thắng đầu tiên cùng mẫu xe nói trên tại giải đua địa hình của địa phương vào năm 1952. Giải thưởng giành được chỉ bé bằng bàn tay và hiện vẫn nằm trên kệ trưng bày của McLaren.

McLaren dần trưởng thành trong vai trò một tay đua quái kiệt. Năm 1959, anh là tay đua trẻ nhất giành chiến thắng tại Giải đua F1, một kỷ lục được giữ nguyên trong suốt 4 thập kỉ. Năm 1966, McLaren giành chiến thắng tại Giải đua Le Mans 24 giờ cùng đội Ford. Năm 1963, anh thành lập đội đua của riêng mình nhưng bị thiệt mạng trong một vụ thử xe vào năm 1970 do dành quá ít thời gian cho “đứa con tinh thần” của mình.

McLaren không chỉ là một tay đua, mà còn là một cá tính bí ẩn trong làng đua xe với hiểu biết sâu rộng về cơ khí và kỹ thuật. Thứ cá tính và dấu ấn như vậy vẫn còn xuyên suốt trong mọi hoạt động của McLaren cho đến tận ngày nay.