Nhớ thời áo may guốc thửa…

Tôi vẫn còn nhớ khoái lạc thiêng liêng nho nhỏ rất Sài Gòn của tụi học trò, như việc cắc củm xin tiền bỏ heo để trịnh trọng thỉnh về cây bút máy Hero và chơi sang mang cái vật thể vi diệu đó ra cho ông thợ trước cổng trường để khắc lên đó tên mình và một cái hình gì đó nhỏ xíu, thật sến để tâm đắc tận hưởng cảm giác sở hữu hoàn toàn khi tên họ đã được đường hoàng khắc lên thân cây viết máy, tô bằng một lớp nạm nhũ kim óng ánh.

Đó là cái khắc khoải của cảm nhận sự vô tận đến sốt ruột của thời gian khi khấp khởi cầm xấp vải ra tiệm may đặt thửa bộ đồ Tết hay tấm áo dài đi học. Đó là cái hoang mang của những lần chạy ra tiệm để ướm những mảnh vải lên người, cố lờ mờ hình dung ra tấm áo hoàn thiện sẽ ra sao và cái khấp khởi huy hoàng của ngày hẹn cuối cùng khi chiếc áo ấy, nghiêm chuẩn đến từng li, được ốp vừa khít trên đường lượn sống lưng con gái, đôi vai raglan nuột tròn không tì vết.

featbenduoisovaiwindowpane_04
Nhớ cái thời còn khấp khởi vui ướm đo guốc gỗ, rồi thích thú khi mấy bác thợ vẽ bông lên quai

Tất cả mọi thức khi ấy đều được đặt, thửa ngoài tiệm và phải trải qua những đợi chờ hành hạ như vậy cho đến ngưỡng cuối cùng của khoái cảm sở hữu. Chúng tôi đã chọn những cặp guốc vẽ bông ngoài chợ, chọn riêng cặp quai rồi khấp khởi ngồi ướm chân chờ đo, chờ đóng từng chiếc đinh đồng ngập vào thân gỗ, cho đến khi chiếc gót cao su được gọt mài tinh xảo êm chân, nâng niu tới độ phải e dè bước chân sáo trẻ nít được quà. Chúng tôi, những đứa nhỏ lớn lên từ đống bầy nhí nhố hồi hộp bu quanh chiếc xe ông bán tò he, đứa có tiền mặc lòng vòi vĩnh mọi thức tham lam trong trí tưởng tượng trẻ con, từ con heo hồng cài bông xanh, con gà trống có 7 màu sặc sỡ hay ông Tề Thiên tay cầm thiết bảng thiệt oai. Tất thảy đều có thể được đáp ứng chỉ sau vài phút, dưới ngón tay nhoay nhoáy ngắt bột, nặn hình của người đàn ông mà khi ấy, với chúng tôi như một vị anh hùng.

Những chiếc giỏ xách lục bình, những chiếc nón vải mềm, hay thậm chí cả cặp bông hay chiếc lắc vàng “làm của” đầu đời của con gái mới lớn cũng được thửa đặt ngoài tiệm kim hoàn. Tôi xin cho mình một chiếc lắc, và ông thợ bạc hạ cặp mục kỉnh nghe tôi kể lể về những món tòn teng diêm dúa tôi muốn đính treo vào đó. Đúng ngày hẹn, tôi đến cửa tiệm, ông thợ bạc long trọng lau sạch đôi bàn tay chai sần rồi kéo ngăn tủ gỗ, nhón ra cho tôi một tia nắng vàng quý báu, lóng lánh những chiếc chuông, trái tim, những con mèo con vịt bằng vàng nhỏ xíu tòn teng được đính trên cọng xích đã được đo vừa cườm tay con gái, cùng chiếc thẻ bài khắc hoa mỹ tên tôi.

Và khi mùa Giáng sinh sắp tới, trước những chuyến nghỉ mát lên Đà Lạt là những chiếc áo len được đặt đan từ vài tháng trước, tăng bội vạn các thi vị khấp khởi đợi chờ.

Bên dưới sớ vải Windowpane

Trong khi má con tôi sắm sửa quanh năm như vậy thì ba tôi mỗi năm cùng lắm ông chỉ có một hai bận ra tiệm may đồ mới. Những cửa tiệm của những ông thợ già đeo suspenders ngang vai, tay chemise nhàu nhĩ xắn cao quá khuỷu và sợi thước dây màu xác pháo vướt choàng qua cổ. Tôi đứng bần thần trước chiếc kệ lộng kiếng đã ố bụi, xếp san sát nghiêm mặc những súc vải dài từ đen, chàm, beige, và cả màu trắng creme, xanh bleu cho phụ nữ. Tôi hiếu kì chú mục vô bộ khuy manchette và kẹp cravatte mạ vàng đã ố, vài ba chiếc nơ đen bằng satin hồ cứng đã sờn toe hai mép như những hiện vật về thế giới bí mật của đồ tế nhuyễn đàn ông.

Ông bác chủ tiệm ngoắt tay gọi mua cho tôi cái bánh cam làm quà trước sự cự tuyệt của ba, rồi mới yên tâm quay qua đo đo đạc đạc. Tôi leo lên chiếc ghế phó may, đặt chiếc bánh gói trong giấy dầu lên đùi, ngắm nghía cái nghi thức long trọng ấy, hồi hộp tưởng tượng ba trong bộ lễ phục bảnh bao, như kép cine, với bông cẩm chướng đỏ cài trên ve áo.

Tôi đã đếm ngược từng ngày để được cùng ba đi “thỉnh” bộ đồ vía. Ông bác chủ tiệm dường như vẫn chưa hề thay chiếc chemise nhàu nhĩ với cặp suspenders vắt hai vai, hãnh diện hai tay rước bộ comple nặng trịch ra khỏi tủ đứng, nhanh tay gạt mớ nhật trình khỏi bàn cắt rồi long trọng trải tác phẩm màu chàm sẫm trước mắt tôi.

Như một nhà ảo thuật ranh mãnh, ông luồn tay vô ve áo rồi lật ra cho tôi ngắm lớp lót bằng thứ lụa mà theo ông là thượng hảo hạng chằn lót bên dưới lớp vải tweed loại Windowpane mà sau này tôi biết ra đời từ cuối thế kỷ 19 và đã từng tái thịnh vào thập niên 70, trước khi tôi sinh ra.

Tôi thất vọng: nó không hề bóng bẩy như bộ áo đuôi tôm của kép Gable hay mấy vị nhạc trưởng. Ông chủ tiệm cười xuề xòa bảo rằng hàng cổ sam bọc satin đó chỉ hợp với nghệ sĩ hay đại lễ, chớ thương nhân, trí thức bận bóng bẩy coi kì. Ba tôi gật gù tấm tắc khen lớp lụa lót trong thiệt khéo, không lệch nhăn luộm thuộm, không bắt điện với lớp áo chemise kêu rẹt rẹt như mấy hàng vải tổng hợp rẻ tiền.

featbenduoisovaiwindowpane_01
Căn nguyên cốt cách của món may đo thượng hạng, là chiều chuộng người mặc chứ không phải phụng sự ánh mắt người ngoài

Đó là lần đầu tiên tôi học bài học của mình về kỹ nghệ dệt may, khi ngỡ ngàng nhận ra cái căn nguyên cốt cách của một món may đo hàng thượng phẩm, ấy chính là cái chiều chuộng khéo léo tỉ mỉ với chính cái thân thể con người bên trong lớp áo, chứ không phải chỉ phụng sự ánh mắt người ngoài ở mặt vải trên cùng, và rằng cái đẹp của một bộ comple đo thửa đó chính là cái bộ khung cốt bởi những coup cắt được tính toán như thể một công trình kiến trúc, làm nên phong thái tôn nghiêm cao quý cho người mặc, phong lưu nhưng khiêm nhường nhã nhặn.

Ở đó, trong căn tiệm của thứ hào hoa ố vàng xộc xệch ấy, tôi tưởng tượng ra những ông hoàng…
Tôi lớn lên như vậy, từ những bữa cơm nhà, những bộ cánh áo đo guốc đóng, những cửa tiệm tàn dư bespoke và giữa những ông hoàng.

Bản ngã Bespoke và sự khiêm nhượng của tao nhân

Nói tới Bespoke, người ta nghĩ ngay đến con lộ của nếp phong nhã Savile Row, nơi những quí ông Âu châu, những chính khách, thương gia, học giả tìm đến để tôn thờ nghiêm cẩn cái nguyên tắc cốt lõi đặc thù của những bộ Âu phục chuẩn mực, với ni tấc được đo đạc riêng cho từng thân chủ, của những cuộc hẹn tới lui ướm thử những mảnh pattern được ghim đính cho đến khi vừa khít cơ thể, đính lược bởi những chiếc đanh ghim phó thợ, và điển lễ long trọng của ngày hẹn cuối cùng, bộ vía thành phẩm đã được hoàn tất trọn vẹn, chi li tới từng mũi khâu, những panel ngực, lưng, vai ốp mĩ miều hoàn hảo trên cơ thể như một bộ da thứ hai hào nhoáng, thứ mà không một cá thể thứ hai nào trên toàn địa cầu có thể xỏ tay ướm mình hoàn toàn vừa vặn như thế. Trên cả một bộ vía hoàn hảo, đó là dấu ấn cá nhân của cả phong cách, gout thẩm mỹ cá nhân của thân chủ, và dấu ấn tài hoa như chữ ký nét thủ tự của tay thợ đã nắn nót từ đường khâu tay cẩn trọng, nét thửa vải tuyệt tài.

Chính từ cung lộ ấy, phong cách hình thức nam nhân Tây phương được định hình nghiêm ngặt, những yếu nhân hàng đầu cho đến vị giáo sư, những thầy ký thượng lưu được phủ đắp lên một lớp giáp trụ không chỉ che khuất những yếu nhược trong thần thái phong mạo, mà còn thị uy tư chất tôn nghiêm của trang quân tử chuẩn mực Âu châu, những bờ vai rộng, dáng ngực vươn kiêu hãnh và những khống chế tế nhị khiến kẻ khoác bộ vía không thể mặc lòng khoa tay múa chân hay buông thõng tư thế trong giao thiệp.

Cũng từ những ngôi tiệm trên lối lộ lừng danh của những tay kéo già cự phách, những thế hệ làm nên huyền thoại đã gia nhập nền công nghệ thời trang đa sắc toàn cầu với một tinh thần haute couture tôn thờ cá nhân tính, những tuyệt phẩm độc bản cầu kì và lòng hãnh tiến cốt cách quân chủ.

Những đợt đại khủng hoảng toàn cầu khiến những đế chế couture liên tiếp rùng rùng sụp đổ, vụ phế truất ô nhục của Galliano, Lacroix bị bức tử, Saint Laurent đã ra người thiên cổ nơi vườn Majorelle, Versace mất Gianni, đành cam hạ cố đặt mình vào thị trường bình dân xa cạ bằng những phiên bản công nghiệp mang tag giá sặc sụa tinh thần dân chủ… Phe quân chủ của thế giới thời trang đã ngậm ngùi đón nhận cuộc thoái trào bi thảm của những giá trị được tôn thờ và những đại lễ haute couture trở thành những bữa tiệc carnival buồn bã của bữa chợ chiều, khi mà thuộc tính thương mại đã khuất phục nét hoa mỹ của những tuyệt tác may mặc và biến chúng thành những mẹt hàng cháy chợ khi được hạ cố sản xuất rập khuôn dưới hình hài thân thiện hơn, cho một địa cầu của những bộ da được tạo hình hàng loạt.

Đây có phải là bờ vực sau cuối của tôn giáo cá nhân?

Người ta không còn bị thống trị bởi những trường phái coup của những tay kéo thuần chủng Ý Đại Lợi hay Ăng lê nữa, đại dịch globalization xóa nhòa lằn ranh trường phái của những nét dị biệt của những dấu vân tay tài hoa và đặc chủng. Người ta mua những bộ suits được may hàng loạt, những mũi kim dây chuyền số hóa không tì vết, không cả dấu vân tay, và nhân loại được chia thành các nhóm size đánh số hoặc từ S đến XXL,…

Những thương hiệu lên ngôi, người ta đồng loạt khoác lên mình những mẫu tự và tên gọi hàng loạt, những phong cách được định đoạt bởi tính nhất thời của trào lưu và đó là sự kết liễu của những trường phái đã thành bất hủ, và những cặp manchette trắng chỉ còn là nét tàn dư giành cho những buổi hòa nhạc, và để thỏa mãn nhu cầu cá nhân hóa ở mức tối thiểu của thị trường, người ta có những lon nước ngọt in tên riêng và quyền tùy chọn trang trí màn hình điện thoại thông minh.

Và, như một kẻ lạc thời còn lại, giữa lòng Sài Gòn, giữa những cuộc đổ bộ mời chào những trào lưu hình thức của màn hình điện thoại được cá nhân hóa, những bao ốp lưng tablet và những nhóm người được phân loại theo size ngoại hình, tôi chợt nhận ra sự giàu có vô biên của những kẻ vẫn có thể chọn thửa một vuông vải ngoài chợ mang ra tiệm, đủ cầu kì đến từng phân li thước thợ và thừa xông xênh dư dả để khấp khởi đợi chờ một lớp vỏ ngoài vừa vặn cho riêng mình, chọn cho mình một cốt lõi yêu chiều ve vuốt trên từng lớp da thân thể hơn cả việc khoa trương cho sự trọng vọng ngoại thân qua sắc hoa nhãn hiệu bên ngoài, chọn tôn thờ châu thân Bản Ngã bằng thứ hàng tơ lụa xa xỉ nhất, những form coup cho một Tư Phong tự tôn kiêu hãnh, và chọn lớp vỏ bọc ngoài cùng bằng những sớ vải thô của thứ hàng tweed kinh điển, phong lưu, nhưng nhã nhặn khiêm nhường.

Bản ngã cuối cùng của bespoke đã nằm lại đó, bên dưới lớp vải lót trong cùng, tự do khỏi ánh nhìn và mọi lời đánh giá, để phụng sự suy tôn điều duy nhất giữ người ta đứng thẳng thớm bên ngoài guồng quay trào lưu đồng hóa, nơi mỗi cá thể được tôn trọng và phụng sự như những ông hoàng đích thực.