Trong khối tài sản đồ sộ của giới nhà giàu, bên cạnh những chiếc siêu xe sang chảnh, những căn biệt thự đẳng cấp còn có những chiếc du thuyền sang trọng. Hình ảnh chiếc du thuyền WALLYPOWER 118 trong bộ phim ăn khách Đảo vô hình (The Island) hay chiếc M3 lướt nhẹ trên những con sóng biếc trên hòn đảo xinh đẹp Bahamas trong phim Sòng bạc hoàng Gia (Casino Royale) luôn khiến chúng ta không ngừng mơ về một thú chơi xa xỉ vốn đã hiện diện từ rất lâu ở Mỹ và châu Âu.
Theo báo cáo của Camper & Nicholsons, chỉ tính riêng trong năm 2015, giới nhà giàu trên toàn cầu đã chi 2,68 tỷ đô-la cho du thuyền cao cấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, du thuyền vẫn là một khái niệm khá xa lạ, số du thuyền được nhập khẩu vẫn chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, và theo quan sát của Robb Report, một số du thuyền được nhập về chủ yếu phục vụ mục đích PR cho các hoạt động kinh doanh chứ chưa hẳn là phục vụ nhu cầu cá nhân của các đại gia.

Du thuyền là một trong những loại tài sản không thể thiếu của giới thượng lưu

Bến du thuyền: món trang sức của các dự án bất động sản hạng sang
Có lẽ cho đến thời điểm này, con số các bến du thuyền đã đi vào hoạt động trên cả nước chưa quá năm đầu ngón tay, chủ yếu vẫn là những bến du thuyền quy mô nhỏ do một số ông lớn trong lĩnh vực bất động sản-du lịch-giải trí đầu tư và xây dựng như Cảng du thuyền Tuần Châu của chúa đảo Đào Hồng Tuyển, bến du thuyền Vinpearl Nha Trang của Vingroup. Một số dự án bến du thuyền từng được quảng cáo đình đám như DHC Marina nằm bên bờ sông Hàn của Công ty DHC Marina hay Công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina Nha trang Công ty TNHH Thương Mại & Du Lịch Trọng Điểm (Focus Travel) đầu tư cho đến nay vẫn trong tình trạng trùm mền và chưa cho thấy dấu hiệu “cựa quậy”.
Trong phân khúc bất động sản hạng sang tại TP.HCM, không ít chủ đầu tư đã đưa bến du thuyền vào dự án như là một món trang sức nhằm thu hút lớp khách hàng cao cấp. Theo đó, bến du thuyền được quy hoạch như một trong những tiện ích đặc quyền dành cho cư dân. Theo quan sát của Robb Report, có lẽ Diamond Island và Saigon Pearl là những dự án bất động sản đầu tiên tại TP.HCM tuyên bố xây dựng bến du thuyền phục vụ cư dân. Cùng với tuyên bố về kế hoạch xây dựng một bến du thuyền đẳng cấp tại đây của chủ sở hữu dự án Diamond Island là việc đưa vào lưu thông chiếc du thuyền Princess 58 hạng sang được nhập khẩu từ Anh quốc. Hình ảnh chiếc du thuyền sang chảnh được đồn đoán có giá vài triệu đô-la với máy lọc nước ngọt từ nước biển cùng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật cao cấp có thể chịu được bão chiều chiều lướt trên sông Sài Gòn một thời đã khiến nhiều người thèm khát và mơ ước. Tuy nhiên, cho đến nay, cả cộng đồng lẫn cư dân vẫn chưa biết được đến bao giờ thì bến du thuyền này mới lộ rõ hình hài.

Phối cảnh bến du thuyền của dự án Kenton Residences

Không rầm rộ như dự án căn hộ triệu đô Diamond Island, Saigon Pearl bên bờ sông Sài Gòn cũng được thị trường chú ý với kế hoạch khởi công xây dựng và hoàn thành một bến du thuyền, câu lạc bộ du thuyền tại khu công viên bờ sông của dự án này trong năm 2011, tạo chỗ neo đậu cho khoảng 130 ca-nô và du thuyền. Tuy nhiên, cũng giống như người anh em Diamond Island, số phận của bến du thuyền “viên ngọc trai Sài Gòn” cũng chẳng có gì sáng sủa. Cả cộng đồng lẫn cư dân của dự án này có lẽ cũng chẳng thèm nhớ đến “tiện ích” đẳng cấp từng một thời được quảng bá rầm rộ này.
Ở khu Nam, hẳn nhiều người còn nhớ dự án Kenton Residences của Công ty TNHH sản xuất thương mại Tài Nguyên với kế hoạch xây dựng một bến du thuyền đủ chỗ cho 20-30 chiếc du thuyền neo đậu. Sau thời gian trùm mền trongthời kỳ đóng bang bất động sản, mới đây Kenton Node đã được tái khởi động với một tâm thế mới. Trong kế hoạch quy mô của dự án này, bến du thuyền sẽ là một trong những tiện ích cao cấp dành cho cư dân bên cạnh nhà hát treo, đường đi bộ ven sông dài 1,4 km, hồ bơi rộng nhất khu Nam với 2500 m…

Bến du thuyền của dự án Diamond Island

Nếu xét về thế mạnh tài chính và uy tín trong việc đảm bảo tốc độ xây dựng cũng như bàn giao dự án, có lẽ Vingroup và công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ là những cái tên bảo chứng cho sự hiện diện của bến du thuyền tại Việt Nam. Với kế hoạch xây dựng bến du thuyền đẳng cấp trong khuôn khổ hai dự án đình đám nhất tại TP.HCM hiện nay là Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River, có thể thấy Vingroup không quảng bá ồn ào cho các bến du thuyền. Có vẻ như danh tiếng của chủ đầu tư lẫn quy mô của bản thân dự án đã lấn át hào quang của những bến du thuyền long lanh trên bản vẽ. Trong khi đó, dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và nhà ở đô thị (Saigon Peninsula) tại phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM do công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đang được kỳ vọng trở thành biểu tượng của khu Nam với bến cảng du thuyền quốc tế đẳng cấp.
Thị trường du thuyền tại Việt Nam: béo bở hay khó nhằn?
Với số lượng người giàu đang không ngừng tăng lên tại Việt Nam, nhu cầu sở hữu du thuyền chắc chắn sẽ tăng theo. Theo báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) do Knight Frank công bố, trong năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), tăng 30 người so với năm trước đó. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, vượt cả Ấn Độ với và Trung Quốc. Sẽ là chủ quan nếu đánh giá nhu cầu sở hữu du thuyền dựa trên các số liệu này bởi theo nhận định của Robb Report, miếng bánh này không hề dễ cắn. Cách đây khoảng dăm bảy năm, đã có một vài công ty nội địa mang tham vọng nhập du thuyền về Việt Nam để phục vụ thú chơi mới của giới đại gia như Công ty Cổ phần Du thuyền Quốc tế (IYC). Tuy nhiên, chỉ trong năm đầu tiên hoạt động, đối mặt với vô vàn khó khăn do lĩnh vực du thuyền quá mới ở Việt Nam, công ty này đã ngưng hoạt động.

“Đại gia” du thuyền Groupe Bénéteau đã chính thức “cập bến” Việt Nam

So với các công ty nội địa yếu vốn và thiếu kiến thức về thị trường du thuyền, một vài thương hiệu du thuyền tên tuổi trên thế giới đang có cách tiếp cận bài bản hơn. Cuối năm 2015, thương hiệu Azumit Yachts lừng danh của Ý tự tin tiến vào thị trường Việt Nam với mục tiêu bán từ 6-7 chiếc du thuyền trị giá từ 450.000 USD đến 27 triệu USD cho giới thượng lưu trong năm 2016. Tính đến tháng 2/2017, Azimut Yachts Việt Nam đã mở rộng phát triển quy mô với văn phòng đại diện tại Hà Nội và Hồ Chí Minh với nhiều hợp đồng mua bán du thuyền giá trị lớn. Mới đây, công ty đã lập ra dự án riêng mang tên Vimarine chuyên cung cấp các sản phẩm thuyền máy và du thuyền tại Việt Nam và các nước châu Á khác.
Trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua, sự hiện diện của bà Carla Demaria, người sáng lập kiêm Chủ tịch Monte Carlo Yachts, thương hiệu du thuyền xa xỉ của Beneteau Group, trên các phương tiện truyền thông Việt Nam đã cho thấy tương lai hé mở của lĩnh vực du thuyền tại thị trường này. Với đối tác phân phối là Openasia Group, một “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam, có vẻ như thị trường này đang chuẩn bị cho một cuộc đua mới đầy thách thức. Nếu vậy, hẳn các dự án bất động sản hạng sang sẽ có nhiều cơ hội hơn để hiện thực hoá giấc mơ bến du thuyền của mình.