Có một sự thật bất bình thường về tôi – một cây viết chuyên ngành thời trang và mỹ phẩm: tôi không thích “xài đồ hiệu”.

Bản thân cái từ “đồ hiệu” đó đã không gây thiện cảm. Cùng với những tân thuật ngữ thô sơ như “xách tay”, hay kiểu cách gọi tắt từ “authentic” nguyên bản thành một tiếng thốt lên “auth” trịch thượng và cộc lốc. Nó bình dân và thô lậu, nó dẫn lối cho những cuộc săn trái phép từ những bãi lầy tội lỗi của những phiên bản thuộc hàng phế phẩm vẫn gồng gượng đeo mang chi chít những logo quyền lực thời trang. Ngay cả một món “đồ hiệu” chuyên chính nhất, khi bị cõng vác trên cơ thể tín đồ trưởng giả cũng dễ dàng tố cáo sự chuệch choạc bất xứng giữa chủ thể và món đồ.

Tôi thấy những đại phu nhân thời thượng trong những bộ váy satin dạ hội đặc biệt được ưa chuộng ở châu Á, kẽo kịt gồng gánh trên khuỷu tay những chiếc túi Birkins lịch duyệt có thể đựng cả thế giới bên trong, như thể họ chưa hề đi quá xa khỏi cái bóng gánh gồng tần tảo. Cơ hàn đổi áo, những chữ cái tên thương hiệu và dãy chữ số trên tag giá mới chính là nét điểm trang thẩm mỹ cho món tuyệt phẩm thời trang.

Gần đây trên mạng xã hội liên tiếp những vụ các bà các cô giận dữ vì bán cho nhau những món hàng nhái. Hẳn nhiên đó là những vụ lừa đảo thương mại, hẳn nhiên sở hữu một món hàng nhái là một sự thóa mạ không thể chấp nhận được đối với một quý bà. Nhưng đứng qua bên lề cuộc cãi vã đàn bà, tôi thấy những nạn nhân của hệ lụy nô dịch đang giận dữ giằng co cái đặc quyền thượng lưu của mình trong những sạp quầy bán lẻ chuyền tay.

Than ôi, bản thân những cuộc đổi trao giấm dúi giữa chị em, hay từ trong những gian hàng “xách tay” với những món đồ được mệnh danh xa xỉ đang đổ dồn thành đống, sự miệt thị đã hình thành mầm mống. Người ta chọn khước từ những chiều chuộng cầu kỳ của dịch vụ nhãn hàng chính thống, cái khoái cảm thụ hưởng trong các boutique thượng lưu, ắt nhiên như thể đặt chân vào thánh đường để nhận lãnh thánh tích huy hoàng.

Như một món vật tuyệt tác bị tước bỏ khỏi những sự cầu kì điển tiết, hiện nguyên hình một chiếc túi khéo may với công năng thị uy dọa nạt không hơn không kém. Bản chất đó có khác chi một sự dối lừa và ngược đãi quyền thụ hưởng của bản thân?

Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy một món hàng chánh hiệu từ những người bán hàng trên mạng, hay may mắn mua lại với giá rẻ một món gần như mới nguyên từ một buổi garage sale, hoặc tậu được món hời trong những “thánh địa tội đồ” nhan nhản hàng tuồn từ chính dây chuyền chính thống, tôi tin là vậy. Nhưng những “thánh tích” được “thỉnh” về từ những ngõ hẻm vô danh, đổ dồn đầy nghi hoặc trong những quầy sạp vô tín, hoặc lèn chặt trong những chuyến hàng “xách tay” bệ rạc của các thương buôn nghiệp dư hòng chia sẻ những “tuyệt phẩm giá rẻ” cho tín đồ underground nhược tiểu, đã khiến hiện nguyên hình một thị trường bên lề nô dịch, với những quý bà quý cô nằm ngoài vòng ưu đãi trọng thị của chính các nhãn hàng.

Điều đó, nghiễm nhiên biến bạn từ địa vị tín đồ xuống hàng tội đồ của thế giới thời trang, như những con chiên cuồng nhiệt bị tẩy chay và ruồng bỏ.

Một tuyệt phẩm luôn chỉ đạt đến giá trị thượng thừa của nó, khi nhà sưu tập biết ngả mình trọng thị quyền lợi và dấu ấn của những tác giải bậc thầy.

Một tín đồ chuyên chính sẽ thấu đáo tinh hoa thụ hưởng trong thánh đường thời trang chính hãng, như một sự tiếp cận thiêng liêng và được bảo chứng với nền văn minh thẩm mỹ bậc cao.

Sự am tường và lòng ngưỡng mộ đôi khi không nhất thiết phải đi cùng tham vọng sở hữu, vì cuối cùng, những tuyệt phẩm thời trang nên được sử dụng bằng sự đồng cảm tinh tế giữa tín đồ và nhà sáng tạo, hơn là coi như một đơn vị thể hiện giá trị tiền tệ, hay thuần túy như những chiếc mặt nạ xộc xệch có công dụng dọa người.