Sự phát triển như vũ bão của công nghệ trong kỷ nguyên kỹ thuật số được xem là yếu tố cơ bản tác động mạnh đến từng ngóc ngách của cuộc sống, trong đó có thời trang. Hẳn nhiên, trong cơn say cuồng phong của công nghệ, chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến vô vàn câu chuyện thú vị về số phận của nhiều platform thời trang và phong cách sống. Trong khi vô số platform thời trang và phong cách sống đang ngắc ngoải thở ô xy chờ ngày ra “nghĩa địa” thì không ít thương vụ đầu tư lại gặt hái thành công ngoạn mục.
Buro 24/7 gặt hái thành công ở châu Á
Giữa năm 2015, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở St. Petersberg (Nga), công chúng được chứng kiến màn phỏng vấn thú vị giữa một quý cô người Nga có dáng người nhỏ nhắn nhưng khả ái và người đàn ông giàu nhất Trung Quốc – tỷ phú Jack Ma, ông chủ của trang TMDT Alibaba. Trong nhiều sự kiện thời trang danh giá nhất thế giới như Tuần lễ thời trang New York, Luân Đôn, Milan hay Paris, quý cô xinh đẹp này luôn hiện diện ngay hàng ghế đầu. Người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng khả ái này chính là Miroslava Duma (tên thân mật là Mira) – biểu tượng thời trang đường phố xứ bạch dương, cựu biên tập viên của tạp chí Harper’s Bazaar Nga, đồng thời là bà chủ của đế-chế-truyền-thông-kiểu-mới Buro 24/7.

Miroslava Duma đang xây dựng nên “đế chế” truyền thông đáng gờm

Miroslava Duma lập nên platform thời trang và phong cách sống Buro 24/7 vào năm 2011 sau nhiều năm làm việc tại tạp chí thời trang Harper’s Bazzar Nga. Trong thời gian nghỉ việc tại Harper’s Bazaar để chờ sinh con đầu lòng, Mira có thói quen lên mạng tìm kiếm thông tin về thời trang và phong cách sống ở Nga, nhưng gần như không thể tìm thấy các thông tin mới nhất về thời trang, văn hoá, điện ảnh, âm nhạc, du ngoạn, phong cách sống và làm đẹp. Chính vì thế, Mira đã quyết tâm lập nên Buro 24/7 như một nơi cung cấp thông tin mới nhất về các lĩnh vực này.
Ngay từ ban đầu, Buro 24/7 đã là một sản phẩm kỹ thuật số. Sự khác biệt duy nhất của Buro 24/7 so với các platform khác chính là khả năng thu hút các đối tác quảng cáo cao cấp, điều mà nhiều đối thủ khác khó có thể làm được. Một trong những yêu cầu khó nhằn nhất của các thương hiệu xa xỉ là môi trường quảng cáo sản phẩm/dịch vụ của họ phải thực sự cao cấp. Đối với tạp chí in cao cấp, điều này không có gì khó hiểu, nhưng với những platform vô tri vô giác, đây quả là một thách thức lớn. Đội ngũ nhân sự tại Buro 24/7 đã tập trung giải quyết vấn đề này và cuối cùng cũng đã thành công trong việc thu hút họ. Tất cả 10 thương hiệu cao cấp lớn nhất thế giới đã đồng ý quảng cáo trên Buro 24/7 tại 10 thị trường ở Trung và Đông Âu, Trung Đông, châu Á và Úc. Buro 24/7 đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ với 6 triệu người dùng mỗi tháng cùng mức tăng trưởng doanh số 200%. Hiện tại, Buro 24/7 hoạt động mạnh nhất tại Singapore và Malaysia, theo kế hoạch, thị trường Nhật Bản và Ấn Độ sẽ là đích ngắm mới. Gần đây, Duma đã ra mắt platform của mình tại châu Mỹ La Tinh và cũng không giấu diếm ý định khai thác thị trường Hoa Kỳ.

Buro 24/7 sáng tạo nên những câu chuyện thú vị theo ngôn ngữ kỹ thuật số

Năm 2015, Buro 24/7 gia nhập thị trường Đông Nam Á với màn ra mắt ấn tượng tại Singapore thông qua sự hợp tác với Indochine Media Ventures, công ty hàng đầu trong lĩnh vực xuất bản các ấn phẩm xa xỉ như Robb Report, Luxury Guide. Trong cuộc trò chuyện với Robb Report, Norman Tan, Tổng biên tập Buro 24/7 Singapore, chia sẻ rằng, điều làm nên sự khác biệt của trang web này so với các platform khác trên thị trường nằm ở đội ngũ nhân sự tài năng, những người sáng tạo nên những câu chuyện thú vị theo ngôn ngữ kỹ thuật số. Và đó chính là bí quyết tạo nên sự thành công của platform này. “Trong khi nhiều platform khác trong khu vực thường chỉ sở hữu vài biên tập viên với chức năng tải các bài viết từ phiên bản báo giấy lên mạng thì Buro 24/7 Singapore lại tập trung đầu tư cho nhóm biên tập viên bao gồm 10 người để tạo ra nội dung riêng. Đó thực sự là những con người tài năng và sáng tạo. Chúng tôi đưa ra ý tưởng để kể câu chuyện của mình theo một cách rất riêng. Bạn có thể nhìn thấy các ý tưởng sáng tạo cùng nội dung tươi mới mỗi ngày, dù điều đó được hiển thị trên web, Facebook, Instagram, qua các chiến dịch như #FriendsofBuro hay chương trình tặng quà nhân các ngày lễ Quốc khánh, Giáng sinh, hoặc những câu chuyện thú vị như ‘Năm điều cần làm tuần này’” – Norman chia sẻ.
Thị trường thời trang Việt: mảnh đất tiềm năng cho các platform kỹ thuật số 
Sự gia tăng số lượng người giàu tại Việt Nam đã, đang và sẽ kéo theo sự sôi động của thị trường hàng hiệu – từ xe cộ cho đến thời trang và phụ kiện. ­­Brandsfavor, công ty đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình câu lạc bộ mua sắm khép kín chỉ dành cho các hội viên, được kỳ vọng trở thành địa chỉ yêu thích của các tín đồ hàng hiệu. Với mỗi chương trình bán hàng thường diễn ra trong 2 hoặc 3 ngày được thông báo cho thành viên qua email, SMS và mạng xã hội, thành viên của Brandsfavor có thể mua các sản phẩm thời trang cao cấp từ các thương hiệu nổi tiếng như Hermès, Chanel, Christian Dior, Givenchy, Lanvin… với giá ưu đãi đến 70%. Tuy nhiên, do phải đối mặt với nhiều rào cản cùng sự cạnh tranh khốc liệt từ các trang web trong trào lưu muachung như Phá giá, Muachung, Cực Rẻ, Nhóm mua, Hotdeal…, mô hình kinh doanh này chỉ trụ được trong một thời gian ngắn ngủi rồi đóng cửa trong niềm tiếc nuối của nhiều tín đồ thời trang Việt.

Bộ đôi Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun

Cách đây vài năm, trang Leflair được hai chàng trai trẻ người Pháp sống tại TP.HCM là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun thành lập sau nhiều năm làm việc tại Groupon và Lazada. Nhận thấy khoảng trống lớn trong phân khúc hàng hiệu, trong khi số người giàu đang không ngừng tăng lên, cả hai quyết định thành lập Leflair, trang thương mại điện tử theo mô hình B2C chuyên bán các sản phẩm hàng hiệu như quần áo, túi xách, nước hoa, đồng hồ… nhằm giải toả “cơn khát” hàng hiệu của người tiêu dùng Việt nhưng với giá rẻ nhất có thể thay vì bay sang Hồng Kông, Singapore hay Thái Lan mua sắm hoặc săn qua nguồn xách tay vốn rất khó kiểm chứng nguồn gốc sản phẩm. “Là một thị trường lớn cho các sản phẩm hàng hiệu, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới xét về mức độ chuộng hàng hiệu (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Khi nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, nhiều người muốn mua các sản phẩm hàng hiệu như một cách thức chứng tỏ vị thế xã hội của mình. Tuy nhiên, việc mua các sản phẩm hàng hiệu ở Việt Nam là một “trải nghiệm đau thương”. Việc thiếu niềm tin đối với các sản phẩm hàng hiệu chính hãng và giá bán lẻ cao khiến mọi người tìm cách mua sắm ở nước ngoài thay vì mua tại Việt Nam. Và Leflair ra đời để giải quyết vấn đề này” – ông Loic Gautier, CEO của Leflair, chia sẻ với Robb Report.
Leflair hiện là trang web thương mại điện tử duy nhất ở Việt Nam tập trung vào các thương hiệu cao cấp. “Chúng tôi muốn tạo ra một mô hình kinh doanh khiến khách hàng hào hứng, đồng thời giúp các thương hiệu thanh lý hàng tồn mà vẫn duy trì hình ảnh thương hiệu và mức độ tin tưởng từ khách hàng như những gì họ trải nghiệm trong cửa hàng truyền thống” – Loic Gautier cho biết.

Nhu cầu sắm hàng hiệu của người Việt ngày càng gia tăng

Leflair đã phát triển nhanh chóng trong gần 2 năm qua. Bắt đầu với một nhóm nhân sự chỉ 15 người làm việc trong một quán cà phê, giờ đây, Leflair có 85 nhân sự cùng một kho hàng riêng và 4 studio chụp ảnh. Trong 17 tháng qua, Leflair đã làm việc với hơn 800 thương hiệu cao cấp trong nước và quốc tế, thu hút thành công hơn 450.000 thành viên và tỷ lệ khách quay trở lại mua sắm là hơn 55%.
Chia sẻ với Robb Report về kế hoạch sắp tới của mình, đại diện Leflair cho rằng, đơn vị này sẽ tiếp tục các hoạt động tiếp thị để xây dựng Leflair trở thành nền tảng đáng tin cậy nhất đối với người tiêu dùng cao cấp tại Việt Nam. “Trải nghiệm của khách hàng luôn là yếu tố cốt lõi và chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn vào công nghệ của mình để đảm bảo khách hàng có được trải nghiệm mua sắm tốt nhất trên Leflair” – Loic Gautier nhận định.