Với nhận định của Mark Zuckerberg rằng thực tế ảo là nền tảng của tương lai, lĩnh vực xa xỉ sẽ làm gì để tạo ra lợi thế?

Sự lên ngôi của xu hướng công nghệ thực tế ảo

Có thể chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) không phải là một phát minh mới mẻ, mà đã được nghiên cứu từ năm 1957, thời điểm Morton Heilig (Mỹ) phát minh ra thiết bị mô phỏng Sensorama Simulator – một máy video 3D đầy đủ chức năng, cho phép bạn lái một chiếc xe mô tô ảo trên đường với gió thổi, độ rung lắc và thậm chí là mùi hương. Tuy nhiên, VR chỉ thực sự được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong những năm gần đây nhờ sự phát triển của công nghệ máy tính. Vào năm 2012, công nghệ thực tế ảo đã hoàn toàn lột xác khi dự án khởi nghiệp Oculus Rift gọi được 2,4 triệu USD vốn đầu tư trên Kickstarter. Một năm sau đó, việc Facebook chi khoảng 2 tỷ USD để mua lại Oculus đã khiến thị trường này trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hai đại diện chủ chốt tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2016 diễn ra tại thành phố Las Vegas (Mỹ) đang cho thấy sự lên ngôi của xu hướng công nghệ thực tế ảo.
Theo số liệu mới nhất của International Data Corporation (IDC), doanh thu trên toàn cầu của lĩnh vực thực tế ảo tăng từ 5.2 tỷ USD trong năm nay lên  mức 162 tỷ USD vào năm 2020, tức là lãi gộp thường niên (CAGR) ở mức 181.3%. Tại các quốc gia phát triển, VR được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học kỹ thuật, kiến trúc, quân sự, y học, giải trí, du lịch, bất động sản… Với khuôn khổ bài viết này, Robb Report chỉ bàn về sự hiện diện của VR trong lĩnh vực hàng xa xỉ.

Thực tế ảo đem lại trải nghiệm khác biệt và đẳng cấp cho người tiêu dùng trong lĩnh vực hàng xa xỉ

Trải nghiệm khác biệt trong thế giới xa xỉ
River Island, thương hiệu thời trang của Anh, đã cho ra mắt ứng dụng đầu tiên tương thích với tai nghe thực tế ảo để mang lại trải nghiệm thú vị cho khách hàng, giúp họ có cảm giác như thể đang được ngồi ở hàng ghế đầu trong Tuần lễ Thời trang Luân Đôn 2015. Chiến dịch này cũng tương tự như chiến dịch của TopShop cho Tuần lễ Thời trang Luân Đôn 2014.
Vào tháng 10 năm ngoái, các khách hàng của Tommy Hilfiger lần đầu tiên được tận mục sở thị bộ sưu tập thời trang tại cửa hiệu của hãng ở Đại lộ số Năm qua thiết bị thực tế ảo Samsung GearVR, và sau đó, chiến dịch này đã được áp dụng tại các cửa hiệu ở Luân Đôn, Paris, Milan, Amsterdam, Düsseldorf, Florence, Zurich và Mátxcơva. Trải nghiệm VR mang đến cho người xem ấn tượng như thể họ đang ngồi ở hàng ghế đầu tại Park Avenue Armory, nơi diễn ra chương trình thời trang của Hilfiger. Nếu nhìn sang bên phải, người xem sẽ nhìn thấy quan khách ngồi cạnh và phía sau mình, hoặc người xem có thể quan sát hậu trường cũng như thời điểm người mẫu sải bước trên sàn diễn. Từ cách bố trí sân khấu, âm nhạc đến những khoảnh khắc thú vị ở hậu trường, người xem sẽ có cơ hội tận mục sở thị chương trình giới thiệu trang phục. Đó là trải nghiệm độc đáo vốn chỉ hiện diện trong mua sắm truyền thống.
Hãng xe Audi cũng đang áp dụng công nghệ thực tế ảo để mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách hàng tại khắp 115 salon ở Anh. Nhóm chuyên gia từ Visualise – một studio chuyên cung cấp các giải pháp và dịch vụ liên quan đến thực tế ảo tại Luân Đôn – đã bay tới Đức để thực hiện chiến dịch nhằm mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách hàng với mẫu coupe Audi TT.
Cuối tháng 10 vừa qua, hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ Roger Dubuis đã đón 250 khách tham dự sự kiện Dare to Be Rare diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc). Được quảng cáo như là một “buổi trình diễn về thực tại và tương lai của thương hiệu”, thông qua trải nghiệm thực tế ảo kết nối với tai nghe Oculus Rift, sự kiện này tập trung quảng bá ba mẫu calibre nổi tiếng của Roger Dubuis – đồng hồ tourbillon khung xương RD01SQ; đồng hồ cơ khung xương RD820SQ; và chiếc Excalibur Quatuor RD0101.

Công nghệ thực tế ảo mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp xa xỉ

Đây không phải là lần đầu tiên Roger Dubuis phải viện đến Oculus để kể câu chuyện thương hiệu. Năm ngoái, thương hiệu đồng hồ này cũng đã hợp tác cùng một đối tác Pháp để sản xuất bộ phim thực tế ảo 2,5 phút để dẫn người xem đến với Salon International de la Haute Horlogerie ở Geneva để chiêm ngưỡng bộ sưu tập những tuyệt tác đồng hồ khung xương.
Mới đây, Piaget đã giới thiệu phim ngắn thực tế ảo với ngầm ý rằng polo có thể là môn thể thao quý tộc, nhưng với việc kết nối Internet, bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm thú chơi này. Được quay ở Chantilly (Pháp), đoạn phim ngắn Polo Experience dưới dạng thực tế ảo và định dạng video 360 độ được giới thiệu vào giữa tháng Bảy vừa qua tại sự kiện ra mắt mẫu đồng hồ Piaget Polo S dành cho giới trẻ. Trong khuôn khổ hợp tác với Unit9, một công ty sản xuất phim thực tế ảo có trụ sở tại Luân Đôn, Piaget còn cho ra mắt một phim ngắn thể hiện Ryan Reynolds, nhân vật đại sứ mới của thương hiệu, trong một “set” polo không thể hoàn hảo hơn trên sân thượng của tòa nhà cao tầng ở Manhattan.
Năm ngoái, TAG Heuer cũng bắt đầu hợp tác với 909c, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp tiếp thị số có trụ sở tại Paris, để tạo ra trải nghiệm đua xe theo định dạng thực tế ảo nhằm quảng bá bộ sưu tập Carrera bao gồm các mẫu đồng hồ chronograph lấy cảm hứng từ xe hơi. Đoạn phim dài 2 phút mang tên “Crafting a Legend: Ride with TAG Heuer” cho người xem thấy sự phức tạp trong các bộ chuyển động của đồng hồ mang thương hiệu TAG Heuer. Người xem có thể di chuyển màn hình để ngắm nhìn bộ chuyển động theo một cách đặc biệt mà các video truyền thống không làm được để mang lại trải nghiệm tương tác với các sản phẩm của thương hiệu.