Chiếc áo Hawaii sẽ luôn là một chủ đề gây tranh cãi, bởi đây là hiện thân cho những gì bị phê phán trong thời trang nam. Thế nhưng, nếu khéo léo sử dụng, bạn vẫn có thể tạo ra một phong cách riêng biệt.
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc cãi vã giữa hai cha con nhà Josh Feldman, trong khi Feldman Sr cho rằng họa tiết này quyến rũ thì người con trai Feldman Jr lại đánh giá đây là “một thiết kế tôn vinh sự xấu xí”. Lý do dẫn tới sự bất đồng quan điểm này là vì ông Feldman Sr đã đặt 2.300 mét vải với họa tiết Hawaii (tương đương 1.200 chiếc áo), một canh bạc chỉ dựa trên 5 chiếc áo đã được bán ra.
Josh Feldman là chủ doanh nghiệp Tori Richard, nhà sản xuất đã trụ vững 80 năm trong thị trường áo hoa Hawaii sặc sỡ, một trong số ít thương hiệu còn tồn tại ở hòn đảo xinh đẹp này. Nếu thời trang nam có quân át chủ bài được giấu kín, thì chắc chắc đó là áo sơ-mi Aloha này (một tên gọi khác được người dân địa phương dùng để phân biệt với những chiếc áo kém chất lượng đến từ Trung Quốc). Nói theo cách tiêu cực, chiếc áo “có tiếng nói ồn ào” này là hiện thân cho những gì trái ngược với phong cách của một người đàn ông tinh tế – màu sắc lòe loẹt, dáng rộng thùng thình và họa tiết sặc sỡ. Thế mà ván bài Feldman cá cược lại được đền đáp bằng số lượng bán ra khổng lồ 500.000 chiếc trong 20 năm (tính riêng mẫu in khắc gỗ kiểu Nhật), thậm chí chiếc áo còn được xuất hiện ở trên thẻ tín dụng của một số ngân hàng tại Hawaii. Chính ông cũng là người khởi xướng “Aloha Wednesdays” (Mặc áo Aloha vào ngày thứ Tư) – một phong trào được hưởng ứng khá rộng rãi khắp bang Hawaii, đồng thời truyền cảm hứng để tạo nên xu hướng ngày thứ 6 ăn mặc xuề xòa tại lục địa Hoa Kỳ.

Bạn có thể bắt gặp những chiếc áo này ở bất cứ đâu tại Hawaii

Xét về tính tiện dụng, chiếc áo Aloha rất lý tưởng cho thời tiết ẩm ướt, với những họa tiết to nổi bật, bạn có thể dễ dàng che đi những mảng mồ hôi trên cơ thể. Có lẽ cũng chính vì thế mà chỉ duy nhất ở Hawaii, bạn có thể bắt gặp những chiếc áo này ngay cả tại một đám tang (tất nhiên là với gam màu tối hơn). Xét về tính thời trang, chiếc áo thuộc về thế giới riêng của nó. “Đối với nhiều người, chiếc áo sẽ luôn là một món đồ mới lạ, còn với nhóm còn lại, chúng chẳng khác gì một món đồ hóa trang cả,” Feldman chia sẻ. “Chúng thể hiện tính tự hào vùng miền đặc trưng, không chỉ đơn giản từ những người dân bản địa, mà còn từ những du khách đã đặt chân tới quần đảo này, chẳng hạn như người Nhật Bản hay Florida. Một khía cạnh phản văn hóa để người ta mặc chúng là bởi họ không quan tâm đến việc những người xung quanh nghĩ gì, họ bất cần và tự tin hơn bao giờ hết.”
Có lẽ đây cũng là những ngụ ý được gửi gắm trong văn hóa đại chúng mỗi khi chiếc áo Aloha được xuất hiện. Chúng thể hiện cho tính tích cực, cho tinh thần cởi mở, chẳng hạn như George Clooney trong phim The Descendants, Tom Selleck trong Magnum, P.I., và tất nhiên không thể thiếu Elvis Presley trong Blue Hawaii. Thế nhưng, nếu bị đem ra khỏi quần đảo thiên đường này, đưa đến một nơi tăm tối hơn, chiếc áo sẽ được hiểu như một cách tấn công thụ động, một sự khinh miệt. Đó chính là hình ảnh của Rober de Niro trong Cape Fear, Al Pacino trong Scarface, Frank Sinatra trong From Here To Eternity, John Travolta trong Pulp Fiction.

Có những ngụ ý được gửi gắm trong văn hóa đại chúng mỗi khi chiếc áo Aloha được xuất hiện

“Có hai cách để mặc áo Hawaii,” cựu Giám đốc Sáng tạo của Kahala Dale Hope chia sẻ, “nếu chiếc áo của bạn quá lòe loẹt, có màu thời gian, hãy mặc cùng một chiếc quần trơn màu và tất đen. Hoặc hãy thử phong cách thập niên 40, kết hợp với quần vải linen và một chiếc mũ phù hợp. Nếu được diện đúng cách, chiếc áo Aloha sẽ mang đến sự duyên dáng rất riêng. Chúng dần trở thành một biểu tượng vui tươi đầy lạc quan không chỉ ở riêng bang thứ 50 của Mỹ, mà còn khắp thế giới, và được truyền từ thế hệ này sang thế khác.”
Hope nói thêm: “Mỗi thế hệ đều có một phong cách đặc trưng thể hiện qua cách ăn mặc, nhưng có lẽ chưa có chiếc áo nào có thể gây tranh cãi và tồn tại theo thời gian như Aloha. Có người từng nói rằng nếu ai cũng mặc áo Aloha thì có lẽ sẽ chẳng có một cuộc chiến nào cả. Sự năng động, trẻ trung, tươi vui được ẩn giấu bên trong đã trở thành nguồn cảm hứng gắn kết cộng đồng. Điều này đã từng trở thành một hiện tượng được các nhà tâm lý học nghiên cứu. Thật khó để đưa ra một lý do cụ thể cho việc mọi người đều có thể yêu mến nó từ cái nhìn đầu tiên. Chiếc áo trở thành đại sứ tuyệt vời nhất của Hawaii, người dân ở đây treo chúng lên tường nhà để ngắm nhìn như một vật báu.”

Kiểu áo này đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim

Ngược lại với màu sắc và họa tiết rực rỡ, nguồn gốc của chiếc áo lại cực kì tăm tối. Một số cho rằng chiếc áo được tạo ra bởi những thợ may người Nhật, sử dụng những miếng vải Kimono truyền thống; số khác lại nói chiếc áo được biến tấu từ mẫu áo đuôi dài Barong Tagalog của người Philipines nhập cư. Số khác nữa lại tranh luận rằng chiếc áo chắc chắn được nhập từ Tahiti, nơi từ lâu đã in lên quần áo các họa tiết hoa dâm bụt, quả sa kê, và các loại hoa trái nhiệt đới khác. Qua nghiên cứu, các nhà sử học đã phát hiện ra rằng từ lâu những thổ dân nơi đây đã nhuộm quần áo với nước ép cây Kukui để tạo ra ánh vàng đỏ đất trên vải.

Thế nhưng, bất kể nguồn gốc của chiếc áo, chúng ta cũng không thể phủ nhận công lao của thuyền trưởng người Anh James Cook. Trong một lần đặt chân đến hòn đảo năm 1778, ông đã dạy cho người dân ở đây cách khâu vá. Và cũng phải cám ơn những người nhập cư từ Nhật bản và Trung Quốc, họ mang tới không chỉ ngành công nghiệp trồng mía và dứa, mà còn cả những tấm lụa in đẹp mắt, những miếng vải truyền thống và cả nghệ thuật may đo. Và thuật ngữ áo Hawaii mới được hình thành từ năm 1927 bởi Ellery Chun, một thợ may và nhà kinh doanh tài ba. Sau chín năm, ông đã đăng kí bản quyền thuật ngữ “Áo Aloha”.

“Người ta mặc chúng bởi họ không quan tâm đến việc những người xung quanh nghĩ gì”

Từ đó một hiện tượng mới xuất hiện và bao trùm nước Mỹ. Chỉ riêng trong thập niên đầu tiên, có tới 275 thợ may sản xuất loại áo này tại quần đảo Hawaii. Vào những năm 1940, các ngôi sao điện ảnh Al Jolson, John Barrymore, Douglas Fairbanks và Ronald Colman đã biến chiếc áo thành một biểu tượng của hoạt động nghỉ dưỡng, thư giãn cuối tuần. Đến năm 1947, đi ngược phong trào complê xám phủ khắp các văn phòng chính phủ, các nhân viên của tòa thị chính và hội đồng thành phố tại bang Hawaii được phép mặc áo Aloha đi làm. Như để chứng minh cho sức ảnh hưởng của chiếc áo rực rỡ này, hai vị Tổng thống Mỹ Truman và Eisenhower cũng bị bắt gặp mặc món đồ không “tổng thống” chút nào này.

Đây là món đồ thời trang quyến rũ hay tuyên ngôn táo bạo phá bỏ mọi giới hạn?

Thế nhưng, nếu thực sự ngắm nhìn, bạn sẽ nhận ra rằng mỗi họa tiết trên chiếc áo đều có thể coi như những tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ. Từng hoa văn đều mang màu sắc rất đặc trưng của người nghệ sĩ thiết kế. Có những chiếc áo cần tới 22 khung in riêng rẽ, và từng công đoạn đều phải được xử lý thủ công. Những chiếc áo vintage kiểu này có thể có giá lên tới 5.000 đô-la Mỹ, bởi giá trị tinh thần cộng thêm màu sắc tươi sáng hơn hẳn những chiếc áo in kỹ thuật số. “Nghệ thuật trên những chiếc áo Aloha thật tuyệt vời,” Hope hào hứng. “Từng câu chuyện được kể một cách chi tiết, chứ không giống những chiếc áo sơ-mi trắng Oxford. Từ thuở sơ khai, những chiếc áo này được vẽ bằng tay một cách chậm rãi, và người nghệ sĩ không bị ảnh hưởng bởi thế giới truyền thông và công nghệ. Trước kia, Hawaii là một thiên đường đúng nghĩa. Bạn sẽ đến với bộ complê ba mảnh, được chào đón bởi những vòng hoa nồng hậu, sau đó chắc chắn sẽ hòa cùng những chàng trai bản địa lướt trên những con sóng xanh biếc. Lúc đó, bạn sẽ không muốn mặc lại bộ complê cứng nhắc, mà chỉ muốn sắm ngay một chiếc áo Aloha thôi!”