Trọng tâm hấp dẫn của thị trường xa xỉ đang trong quá trình dịch chuyển về phương Đông. Thông qua việc tìm hiểu thị hiếu về đồ trang sức của những khách hàng giàu có đến từ châu Á, chúng ta có thể thấy được sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của họ đến ngành công nghiệp xa xỉ phẩm nói chung.
Vào một đêm tháng Sáu năm 2016 tại Luân Đôn, Wallace Chan, nhà thiết kế đồ trang sức nổi tiếng Trung Quốc, đã có một cuộc nói chuyện về công việc của mình tại bảo tàng Victoria & Albert. Chan ngồi ở vị trí trung tâm sân khấu, tươi cười nhìn khán phòng không còn một chỗ trống; đa phần là các quý cô, quý bà trong trang phục hàng hiệu, hiển nhiên trên cổ, tay không thiếu những món trang sức lấp lánh.

Wallace Chan là một trong số ít những nhà thiết kế trang sức châu Á thành công trên phạm vi toàn cầu

Sự giàu có của người Trung Quốc đã giúp nhà thiết kế Wallace Chan bước đến tầm cao của ngành thiết kế đồ trang sức trong nước, nhưng sự nổi tiếng của ông còn vượt xa khỏi Hồng Kông – nơi ông lớn lên và hiện đang sống và làm việc. Thành công của Chan là một ví dụ minh họa điển hình cho xu hướng mới trong ngành trang sức cao cấp toàn cầu: thị hiếu của khách hàng Á Đông đã trở thành một trong những nhân tố chính khiến các nhà kim hoàn phải thay đổi chiến lược sản phẩm.
Mối liên hệ với quyền lực
Các đế quốc cổ đại sử dụng thặng dư tài chính của mình để đạt được những những thứ đẹp đẽ, còn tầng lớp thống trị khống chế thị trường trang sức như một cách biểu hiện hữu hình cho quyền lực của họ. Trong khi Narmer – Pharaoh đầu tiên của Ai Cập – dùng cây quyền trượng gắn vàng và đá quý như vật tượng trưng cho quyền lực tối cao của mình; thì ngai vàng dành các hoàng đế Trung Hoa chính là thứ có sức hấp dẫn mạnh mẽ nhất khiến bao người phải đổ máu.
Sự trỗi dậy của đế chế Mughal trong thế kỷ 16 đã khiến người ta phải có một cái nhìn khác về “xa hoa”. Quốc vương Shah Jahan luận bàn chính sự với các triều thần trên chiếc ngai vàng với 4 chân được làm từ vàng đúc nguyên khối, phía trên là phần vòm mái vòm điêu khắc hình chim công được nâng đỡ bởi 12 cây cột nạm ngọc lục bảo.

Người xưa thường dùng vàng và đá quý để khẳng định quyền lực

Khi thương mại châu Âu phát triển, gu thẩm mỹ của các quý ông, quý bà người Pháp trong thế kỷ 17 đã trở thành chuẩn mực cho thị trường đồ trang sức thế giới. Vua Louis XIV ưu tiên sản xuất các mặt hàng xa xỉ, ông cho mời nhiều thợ thủ công lành nghề từ Ý và Flanders (Bỉ) sang Pháp làm việc và cấm thợ có tay nghề cao trong nước di cư ra nước ngoài.
Đến khi tầng lớp trung lưu ở châu Âu bắt đầu khởi sắc, ngay cả các thương gia cũng có thể sở hữu và thưởng thức những món đồ trang sức trước đây chỉ dành cho tầng lớp quý tộc. Ngọc trai từ Vịnh Ba Tư, kim cương Golconda hoàn mỹ nhập khẩu từ Ấn Độ không còn hiếm gặp. Người ta dễ dàng bắt gặp những món trang sức đính hồng ngọc hay ngọc lục bảo ở cả nam lẫn nữ.
Sau cuộc cách mạng Pháp, mối quan hệ giữa trang sức và quyền lực lại càng khăng khít hơn. Do đó, chính phủ mới quyết định bán đấu giá rất nhiều viên ngọc quý – không chỉ vì họ muốn bổ sung vào ngân khố, mà còn vì họ sợ rằng giới quý tộc sẽ sử dụng các bộ sưu tập này như một nền tảng cho sự hồi sinh quyền lực quân chủ.
Nguồn cảm hứng mới
Ngày nay, việc giới nhà giàu tại nhiều thị trường mới nổi mạnh tay chi tiêu hơn cho xa xỉ phẩm đã dẫn đến những thay đổi lớn trong cách các món đồ trang sức được thiết kế. Theo Bain & Co, trong năm 2016, người tiêu dùng Trung Quốc chiếm 30% lượng người mua hàng xa xỉ trên toàn cầu, kế tiếp là người Mỹ chiếm 24% và châu Âu 18%.
Người châu Á không chỉ dành nhiều tiền để mua sắm hơn, họ còn đang thay đổi thị hiếu theo hướng toàn cầu hóa. Viren Bhagat, một nhà thiết kế Ấn Độ, cho biết rằng người trẻ và nữ giới được tiếp cận với giáo dục ở quốc này thích mua vòng đeo tay từ các nhà bán lẻ đa quốc gia thay vì những món đồ truyền thống – một điều gần như không thể tưởng tượng được trước đây.

Sức hấp dẫn của đồ trang sức phần lớn đến từ tính phổ quát. “Chẳng hạn như mô-típ loài bướm”, Nicolas Bos, CEO của hãng kim hoàn Pháp Van Cleef & Arpels chia sẻ. “Hình ảnh loài bướm được xem như đại biểu cái đẹp trên khá nhiều nền văn hóa”. Tương tự, thực vật cũng là chủ đề quen thuộc, kể cả đó là hoa hồng rực rỡ trong bộ sưu tập Rose Dior Pré Catelan hay loài xương rồng đầy gai nhọn như bộ sưu tập Cactus de Cartier đi chăng nữa, thì người ta vẫn cảm thấy thật gần gũi. Thế nhưng, thiên nhiên không phải là nguồn cảm hứng mang tính phổ quát duy nhất. Còn gì thân thuộc hơn chiếc dây kéo xuất hiện ở khắp mọi nơi, và Van Cleef & Arpels đã ứng dụng kiểu dáng đặc biệt này cho bộ sưu tập vòng cổ cao cấp mang tên Zip Antique Colombie.
Thay đổi dựa trên thị hiếu
Dù yếu tố truyền thống vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong các mẫu thiết kế trang sức đến từ châu Âu, một số nhà kim hoàn ở “lục địa già” và Mỹ đang điều chỉnh sản phẩm của mình dựa trên nhu cầu thực tế từ khách hàng. Michael Wainwright, Giám đốc của thương hiệu trang sức Anh Boodles, quyết định đầu tư mở rộng thị trường trong vài năm trở lại đây. Sản phẩm thành công nhất cho đến thời điểm hiện nay của họ là chiếc vòng cổ Greenfire đính ngọc lục bảo và kim cương được chế tác công phu – món đồ được khách hàng Trung Đông đặc biệt yêu thích. Còn hãng kim hoàn Fabergé cho biết đa phần người mua loại trứng Phục Sinh hoàng gia đến từ Qatar. Sean Gilberton, Giám đốc điều hành công ty, đã duyệt kế hoạch chế tác quả trứng nặng 10kg làm từ bạch kim và dự kiến sẽ bán cho một khách hàng Trung Đông.
Thị hiếu của người tiêu dùng tại các thị trường mới nổi đang ngày một ảnh hưởng nhiều hơn đến những món trang sức bán ra trên phần còn lại của thế giới. Jean-Christophe Babin, Giám đốc điều hành của Bulgari, cho biết ban đầu hãng dự định dùng bộ sưu tập trang sức làm từ các loại ngọc chỉ để tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhưng bây giờ họ lại đang bán các món đồ này trên phạm vi toàn cầu.

Thiết kế mang đậm truyền thống Ấn Độ của Bhagat được khách hàng từ nhiều nơi trên thế giới yêu thích

Họa tiết Mughal truyền thống và nghệ thuật trang trí, kết ngọc trai và nạm đá quý là phong cách đặc trưng trong những thiết kế của Viren Bhagat. Hai mươi năm trước, đa phần khách hàng của ông là người Ấn Độ, nhưng bây giờ chỉ còn chiếm một phần ba. Bhagat không chỉ hấp dẫn với khách hàng phương Tây, mà còn đạt được nhiều thành công ở Trung Quốc, Trung Đông và Brazil, thậm chí đang trở thành lựa chọn táo bạo thay thế cho các thương hiệu lớn ở châu Âu và Mỹ.
Pierre Rainero, Giám đốc phong cách, hình ảnh và di sản của Cartier, chỉ ra rằng, đồ trang sức được người Trung Quốc yêu thích thường gắn liền với cội nguồn của họ. Sự giàu có cùng khả năng tiếp cận với nguồn thông tin mở đã “làm sống dậy” khao khát về những món đồ quý giá cũng như phong cách hoàng tộc vốn đã bị “chôn chặt” trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Chiếc vòng cổ Eyes of Infinity độc đáo của Wallace Chan

Tuy nhiên, giờ đây chẳng ai muốn đeo mũ phượng trang trí lòe loẹt để thể hiện đẳng cấp, khách hàng giàu có Trung Quốc muốn theo đuổi “cái mác” thượng lưu mà cũng phải thật thời thượng. Đó là lý do những sáng tạo táo bạo của Wallace Chan, chẳng hạn như chiếc vòng cổ Eyes of Infinity làm từ kim cương, hồng ngọc, ngọc bích vàng, ngọc hồng lựu và viên đá mắt mèo Alexandrite lớn nhất thế giới cùng hai con bọ cạp nổi bật hai bên, ngày càng được ưa chuộng. Tại Biennale des Antiquaires Paris 2012, chiếc vòng này đã được bán với mức giá 73,5 triệu Euro.
Giá bán “khủng” không khiến Chan có ý định tăng sản lượng. Ông chỉ chế tác 20-30 món trang sức mỗi năm và không hề có kế hoạch sẽ làm nhiều hơn thế. Trước nhu cầu “điên cuồng” của giới nhà giàu Trung Quốc lẫn khách hàng từ khắp nơi trên thế giới, nhà thiết kế nổi tiếng người Hồng Kông vẫn giữ vững lập trường và chất lượng sản phẩm mới là mối bận tâm duy nhất của ông. “Tôi chỉ lo lắng rằng mình không có đủ thời gian và vật liệu để sáng tạo mà thôi”, Chan chia sẻ.