Bị lên án là tác nhân phá hủy môi trường, các thương hiệu máy bay riêng đang có khả năng phải đối mặt với một tương lai u ám.

Những tay đua xe Công thức 1 và các nhà lãnh đạo thế giới hiếm khi có bất kỳ điểm chung nào, ngoại trừ Lewis Hamilton và Andrés Manuel López Obrador, Tổng thống Mexico. Hai người đàn ông này đã cùng bắt đầu một chiến dịch chống lại mốt sử dụng máy bay riêng. Trong những tháng gần đây, họ đã “tống khứ” chiếc máy bay cá nhân của mình – trong trường hợp Hamilton là chiếc Bombardier Challenger 605 màu đỏ trị giá 21,4 triệu USD, và với López Obrador là chiếc Boeing 787 Dreamliner trị giá 218 triệu USD – với lý do để bảo vệ môi trường.

Nhà vô địch thế giới sáu lần Hamilton là người ăn chay trường và tích cực bảo vệ thế giới tự nhiên, trong khi López Obrador cam kết cắt giảm du lịch nước ngoài, bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6 vừa qua.

Cả JCPenney và WeWork đều đã thanh lý hết những chiếc máy bay Gulfstream trị giá hàng triệu đô la. Năm 2017, General Electric cho biết sẽ bán phi đội máy bay của mình, trái ngược với cựu CEO Jeff Immelt, người sở hữu tới hai chiếc máy bay cá nhân để di chuyển phòng khi một chiếc bị hỏng. Rita Clifton, cựu giám đốc chiến lược của Saatchi & Saatchi, người đã giúp định hình hình ảnh của một số thương hiệu lớn nhất thế giới, cho rằng “hơn bao giờ hết, máy bay riêng đang có xu hướng bị coi là một tác nhân gây hại đến môi trường”.

Những người nổi tiếng – thậm chí là thành viên các hoàng gia – những người biến máy bay cá nhân thành biểu tượng đáng khao khát của vị thế và đẳng cấp, giờ đây đang gây hại cho ngành công nghiệp này khi bị truyền thông nhạo báng như những kẻ đạo đức giả. Hoàng tử Harry, Công tước xứ Sussex đã bị các tờ báo lá cải của Anh gọi là “Carbon Footprince” (một cách chơi chữ), vì đã dùng phi cơ riêng cho chuyến nghỉ dưỡng ở Ibiza – một hòn đảo ở Tây Ban Nha nhân dịp Meghan đón tuổi mới, chưa kể chuyến đi đến Sicily vào tháng 7 để tham gia hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày của Google với chủ đề biến đổi khí hậu. Các nhà môi trường cáo buộc hành động của cặp đôi Hoàng gia đi ngược lại quan điểm mà họ tuyên bố về vấn đề biến đổi khí hậu.

Tình trạng này đã làm lung lay niềm tin của các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp máy bay, lĩnh vực đã bùng nổ trong hai thập kỷ qua khi con số khách hàng tiềm năng đang ngày càng tăng lên. Trong một cuộc gọi qua điện thoại báo cáo tình hình kinh doanh vào tháng 8 của Rolls-Royce Holdings, Giám đốc điều hành hãng sản xuất động cơ Warren East đã chỉ ra các vấn đề đáng quan tâm. “Điều chúng tôi nhận thấy trong sáu tháng qua là ngành hàng không đang bị nhìn nhận như một tác nhân gây hại cho môi trường”, ông nói.

Những chiếc máy bay này thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn gấp 20 lần trên mỗi dặm bay so với máy bay thương mại. Đó là vì máy bay thương mại thân rộng đang ngày càng lớn hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn, nhưng các máy bay riêng lại không thể phù hợp vì chúng chở rất ít hành khách. Ví dụ, chiếc Boeing 787 và Airbus A350 mới sử dụng khoảng một gallon nhiên liệu cho mỗi 100 dặm bay. Nhiều máy bay riêng đốt cháy lượng nhiên liệu gấp 10 lần, và sẽ tăng lên 20 lần hoặc hơn nữa nếu chỉ có một hành khách trên máy bay.

Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nga và UAE là các quốc gia sở hữu lượng máy bay riêng nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay riêng đang làm dấy lên mối lo ngại tác động tiêu cực tới môi trường, do lượng khí thải từ những chiếc phi cơ cỡ lớn này.

Các chuyên gia của ngành công nghiệp máy bay chỉ ra rằng trong khi toàn ngành hàng không chịu trách nhiệm cho khoảng 2% lượng khí nhà kính toàn cầu, một báo cáo của International Business Aviation Council khẳng định rằng máy bay riêng chỉ chịu trách nhiệm cho 0,04% lượng khí thải carbon nhân tạo, có nghĩa là hàng không thương mại có tác động lớn hơn đến ô nhiễm môi trường so với máy bay cá nhân. Việc cấm đoán máy bay riêng sẽ không hạn chế biến đổi khí hậu vì chỉ có khoảng 20.000 chiếc trên toàn thế giới. Nhưng khi Greta Thunberg, nhà sinh thái học 16 tuổi người Thụy Điển, yêu cầu tất cả chúng ta ngừng bay hoàn toàn, những tuyên bố này rất có khả năng bị lờ đi.

Liệu nhiên liệu xanh hay máy bay điện có phải là câu trả lời? Các nhà phân tích tại ngân hàng UBS cho biết động cơ hybrid và điện có thể đi vào hoạt động trong hai thập kỷ tới. Gần một nửa trong số 58 máy bay riêng tại một triển lãm thương mại hàng không ở Geneva năm nay sử dụng năng lượng từ nhiên liệu xanh. Tại Paris Air Show năm nay, công ty khởi nghiệp Eviation của Israel giới thiệu mẫu taxi bay chạy điện có tên gọi Alice với khả năng chuyên chở chín hành khách cho hành trình lên đến 650 dặm. Nhưng nhiên liệu mới thì đang ở giai đoạn sơ khai, và loại pin hiện tại cần thiết cho máy bay chạy điện cho thấy rằng chúng sẽ chỉ có thể phù hợp với các chặng bay ngắn chứ không phải các chặng bay dài.

“Điều này khiến chúng tôi phải quay trở lại điểm xuất phát”, Clive Jackson, nhà sáng lập kiêm CEO của platform Victor chuyên cho thuê máy bay riêng theo yêu cầu và một trong những người ủng hộ cải cách hàng đầu trong ngành, cho biết. Ông lập luận rằng trước khi công nghệ nhiên liệu và pin mới trở nên khả thi, giải pháp ngắn hạn tốt nhất là nỗ lực hết sức để bù đắp cho lượng khí thải ra môi trường.

Victor, hãng cho thuê máy bay riêng chở tới 7.000 hành khách trên 4.000 chuyến bay mỗi năm trên toàn thế giới với mức giá trung bình 25.000 USD cho một chuyến bay, đã buộc mỗi chuyến bay thuê bao đặt qua platform kỹ thuật số của mình phải bù đắp 200% lượng khí thải carbon. Victor chi trả mức 200% đầu tiên bằng cách sử dụng các dự án giảm carbon được kiểm toán và công nhận ở tầm quốc tế do BP Target Neutral, Vertis và South Pole quản lý – chủ yếu là các dự án dựa vào thiên nhiên như dự án phục hồi rừng ở Brazil và Zimbabwe.

Nhưng Jackson muốn giải pháp sâu xa hơn. “Chúng tôi yêu cầu khách hàng của mình bỏ tiền túi ra và bù đắp tới 1.000 phần trăm cơ”, ông nói. “Hãy đối mặt với điều đó, họ có thể chi trả được và câu hỏi thực sự là: Họ có đủ khả năng không?” Những gì khiến Jackson và các hãng kinh doanh máy bay riêng thường xuyên sợ hãi chính là những loại thuế mới liên quan đến lệnh trừng phạt hoặc các quy định về môi trường. Ở châu Âu, các công ty và cá nhân có thể tránh phải trả thuế giá trị gia tăng đối với các máy bay riêng nhập khẩu bằng cách mua hàng tại các thiên đường thuế.

Các chính sách cải cách thuế của Tổng thống Trump cho phép các cá nhân và công ty loại bỏ 100% chi phí cho một máy bay riêng mới hoặc đã qua sử dụng áp theo thuế liên bang. Ngành hàng không đã đưa ra cam kết của riêng mình về mức phát thải ròng và giảm lượng khí thải ròng vào năm 2050 xuống một nửa so với năm 2005. Nhưng một số nhà khai thác hiện được miễn trừ thuế. “Ngay bây giờ, nếu không chịu trách nhiệm về những thách thức, chúng ta có thể phải đối mặt với các quy định sẽ hạn chế quyền đi lại của mình”, Jackson cảnh báo.

Một số nhà môi trường hoan nghênh các chương trình đền bù carbon nhưng cảnh báo rằng điều đó là không đủ để làm giảm tác hại của việc sử dụng máy bay riêng. Thay vào đó, họ muốn mọi người đi ít chuyến bay hơn. Jackson cho rằng điều này là không thực tế: Người tiêu dùng sẽ luôn muốn có một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình. Họ có quyền tận hưởng một kỳ nghỉ theo cách mà mình muốn, đến những vùng đất xa xôi mà họ từng khao khát được khám phá. Nhưng nếu kết quả là khí thải carbon sẽ khiến trái đất này nóng lên, chúng ta sẽ phải hành động quyết liệt hơn.