Với các thương hiệu đồng hồ cao cấp đang trong quá trình mở rộng thị phần, những thị trường mới nổi ở châu Á chắc chắn là “miếng bánh” béo bở không thể bỏ qua. Nhờ đó, chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội để chiêm ngưỡng vẻ đẹp bí ẩn mà lôi cuốn của văn hóa phương Đông ngay trên những “cỗ máy thời gian” đến từ Thụy Sĩ hay Đức…
Vacheron Constantin Métiers D’Art
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới gặp khó khăn, châu Á, đặc biệt là Hồng Kông và Trung Quốc, vẫn là thị trường lớn nhất đối với các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ. Và để chào đón năm mới theo truyền thống phương Đông, Vacheron Constatin đã trình làng hai mẫu đồng hồ mới với số lượng cực kỳ giới hạn.

Chú gà trống được khắc thủ công bằng vàng hoặc bạch kim cùng tông với màu thân vỏ

Phiên bản năm Đinh Dậu có kích cỡ 40mm với hai lựa chọn chất liệu vỏ là bạch kim và vàng hồng 18K, cả hai đều có khả năng chịu nước ở độ sâu 30 mét. Mặt số sử dụng mô típ họa tiết vòm hoa theo kỹ thuật cắt giấy jiǎnzhǐ của Trung Quốc. Môn nghệ thuật sặc sỡ này có từ thế kỷ thứ 2, gần giống với kỹ thuật Scherenschnitt được sử dụng rộng rãi ở Thụy Sĩ và Đức. Những bông hoa được khắc trực tiếp vào kim loại, sau đó được tạo nổi bằng phương pháp phù điêu để tạo cảm giác như đang trôi lơ lửng trên mặt số và làm nền cho linh vật. Sắc xanh và nâu đỏ của mặt số là kết quả từ quá trình nung men Grand Feu, một kỹ thuật điêu luyện yêu cầu phủ nhiều lớp men liên tục. Nổi bật tại vị trí trung tâm, chú gà trống được khắc thủ công bằng vàng hoặc bạch kim để đi cùng lớp vỏ bên ngoài. Giờ, phút, thứ và ngày được thể hiện lần lượt trong các ô nhỏ ở khung 10, 2, 4 và 8 giờ. Bộ máy tự động caliber 2460 G4 với 237 linh kiện bên trong cung cấp năng lượng 4Hz và có mức năng lượng dự trữ trong 40 tiếng.

Chopard L.U.C XP Urushi
Tiếp nối truyền thống hàng năm, Chopard ra mắt phiên bản đặc biệt L.U.C XP Urushi – Năm Dậu, một chiếc đồng hồ pha trộn giữa tinh hoa chế tác của Nhật Bản trong một bộ máy Thụy Sĩ nhằm tôn vinh văn hóa Á châu.

Chopard ứng dụng nhiều kỹ nghệ truyền thống của Nhật Bản trong chế tác chiếc đồng hồ này

Theo truyền thống Nhật Bản, nhựa sống dùng trong sơn mài phải được thu hoạch một cách khéo léo, sau đó lưu trữ trong kho để đạt độ “chín” mong muốn. Sau khi tô nhiều lớp sơn mài siêu mỏng, các nghệ nhân chuyên về Urushi sử dụng nhiều mảnh cắt xà cừ li ti để tăng độ khúc xạ và sự rạng rỡ trên mặt số. Con gà trống được mô tả trong dáng vẻ uy nghi nhất, đầu ngẩng cao với lớp lông mượt mà trong khung cảnh mặt trời lấp ló sau triền núi. Thấp thoáng ở cạnh đồng hồ chính là tám bông hoa lay ơn tượng trưng cho sự may mắn và trường tồn. Để tạo ra được bức tranh sống động này, Chopard đã làm việc với công ty Yamada Heiando – đơn vị chuyên cung cấp vật phẩm cho gia đình Hoàng gia Nhật bản, với sự hỗ trợ của nghệ nhân Kiichiro Masumura, bậc thầy sơn mài Maki-e. Nếu so sánh với phiên bản Ngựa và Khỉ trước đó, có thể thấy đây là một tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật trang trí đỉnh cao.
Chỉ dày 3,3mm và chạy 65 giờ liên tục, cỗ máy L.U.C Calibre 96.17-L được đặt bên trong lớp vỏ L.U.C XP bằng vàng hồng 18K. Ẩn sâu bên trong là rotor siêu nhỏ bằng vàng 22K nằm lệch trung tâm hay còn gọi là Chopard’s Twin Technology. Đồng hồ dày 6,8mm với đường kính mặt 39,5mm và có khả năng chịu áp suất nước ở độ sâu tối đa 30m.

Ulysse Nardin Classico Rooster
Hùng dũng và đầy sức sống, con gà trống trong chiếc đồng hồ Classical Rooster được nhào nặn tài tình bởi bàn tay của những nghệ nhân bậc thầy. Loài động vật này được cho là hòa hợp với thiên nhiên, với nhiệm vụ báo thức. Nhân dịp năm mới 2017, Ulysse Nardin đem tới một nguồn năng lượng mới khi bổ sung chiếc đồng hồ “Year of the Rooster” vào bộ sưu tập Classico.

Ulysse đã kết hợp hài hòa giữa kỹ nghệ phương Tây và đặc trưng Á Đông

Trong cách thức mô tả đầy tính cổ điển này, các nghệ nhân sử dụng phương pháp tráng men champlevé từ nhiều thế kỷ trước để làm sống dậy bản vẽ sơ sài. Đây cũng là một loại hình kỹ thuật rất hiếm, chỉ vài người trên thế giới mới có khả năng thuần thục. Trong kỹ thuật champlevé, các ô được điêu khắc trực tiếp vào cốt kim loại hoặc mặt số, sau đó, được tráng men thủy tinh với rất nhiều màu sắc đa dạng. Kế tiếp, mặt số sẽ được đem nung tới khi lớp men tan chảy. Khi lớp men nguội đi, bề mặt được đánh bóng thủ công để loại bỏ phần men thừa, mang lại sự bóng bẩy cho sản phẩm, đồng thời giúp làm sáng màu men. Trong vòng 25 năm qua, Ulysse Nardin luôn đem kỹ thuật chế tác đỉnh cao này vào mặt số đồng hồ, và là thương hiệu duy nhất bảo tồn nét đẹp lịch sử này thông qua công ty con Donzé Cadrans.
Chiếc đồng hồ Classico phiên bản “Year of the Rooster” sẽ chỉ được sản xuất 88 chiếc, bằng vàng hồng 18K, với bộ chuyển động tự lên cót UN0815 có chứng nhận COSC. Khéo léo kết hợp tay nghề truyền thống với nét văn hóa vùng miền, đây sẽ là một món quà thanh lịch và hoàn hảo cho ngày đầu năm.