Con đường tơ lụa cùng Hải trình gia vị nổi tiếng thời xa xưa chính là cảm hứng giúp các nhà chế tác đồng hồ và trang sức của Piaget hoàn thành bộ sưu tập “Hành trình thần thoại”.
Thuở xưa, Con đường tơ lụa cùng Hải trình gia vị kéo dài từ Trung Hoa đến Phi châu và Biển địa Trung Hải chính là biểu tượng về sự giao lưu văn hóa và thương mại giữa các nền văn minh cổ đại. Đây là hai lộ trình chính để các thương gia, giáo sĩ và chiến binh gặp gỡ, trao đổi các xa xỉ phẩm như gia vị, gỗ mun, đồ sơn bóng, vải vóc… Từ những mối liên hệ này, Piaget đã tạo ra một bộ sưu tập mang tên “Hành trình thần thoại”.

Nghệ thuật chế tác tài ba cùng khả năng sáng tạo vô biên đã được thể hiện thông qua 32 mẫu đồng hồ cùng 16 món trang sức sử dụng nghệ thuật tiểu khảm, thêu, tráng men, nạm đá quý. Các mô thức trang trí trên đồng hồ được lựa chọn dựa trên sự tôn trọng tuyệt đối dành cho những niềm tin cùng tầm quan trọng gắn liền với chúng.
Chẳng hạn, thiết kế các mẫu đồng hồ như Protocole XXL, Altiplano Double Jeu được lấy cảm hứng từ một ngôi chùa nằm ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với tên gọi “Thần rồng”, đây là ngôi đền được dựng lên để người dân cầu may mắn và hạnh phúc. Bên cạnh đó, các biểu tượng của sức mạnh của Trung Hoa như ngựa Ferghana cũng được thể hiện trên mặt số tráng men của chiếc Altiplano 38mm. Ngoài ra, những hình ảnh tượng trưng cho sự trường tồn và trí khôn cũng được chạm khắc công phu trên mặt số tráng men hoặc mạ vàng của hai mẫu Polo Tourbillon Relatif và Emperador XL.

Đến với Ấn Độ, hai mẫu Altiplano Double Jeu và Protocole XXL lại gợi lên hình ảnh của vùng đất huyền bí trong đó nổi bật nhất là khách sạn Lake Palace ở Udaipur. Ngoài ra, bộ sưu tập còn có hình ảnh chú voi Ganesh tượng trưng cho vị thần của Hindu được sử dụng trên các sản phẩm như Polo Tourbillon Relatif, Emperador hay Altiplano. Hình ảnh chú công – loài chim biểu tượng của Ấn Độ và tượng trưng cho sắc đẹp, phẩm hạnh cũng được sử dụng trong các sản phẩm như Limelight Exceptional Piece, Altiplano Double Jeu. Hai sản phẩm này đều được nạm vàng và kim cương tạo vẻ quý phái, sang trọng.

Về phần trang sức, bộ sưu tập lần này có các sản phẩm như nhẫn, bông tai, vòng cổ…, tất cả đều chịu ảnh hưởng của kiểu họa tiết hình cánh hoa có xuất xứ từ Ba Tư khoảng hơn 2 ngàn năm trước. Trước đây, tên gọi chính thức của cách trang trí này là Boteh – tiếng Ba Tư nghĩa là hoa mới hé nụ. Nó được sử dụng để trang trí vương miện và trang phục hoàng gia. Sau khi cộng đồng người Đông Ấn đem nghệ thuật trang trí này đến với phương Tây vào nửa cuối thế kỷ 17, nó lập tức trở thành một biểu tượng của địa vị xã hội tại các vương triều.