Từ những chuyến đi vòng quanh thế giới, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng xây dựng cho mình một thế giới quan đa sắc bằng những trải nghiệm mới lạ. Có lẽ điều đó cũng phần nào giải thích cho những thành công mà anh đạt được từ nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.

Anh có thể mô tả về phong cách thiết kế đặc trưng của mình? Thế mạnh lớn nhất của anh là gì?

Phong cách thiết kế của chúng tôi cũng giống như con người, luôn thay đổi và tiến hóa theo bối cảnh, mục đích sử dụng, theo xã hội, đặc biệt là theo văn hóa. Rất khó để lựa chọn một phong cách thiết kế cụ thể. Việc kết hợp hài hòa các yếu tố với nhau là thế mạnh của HAS nói chung, và cá nhân tôi nói riêng.

Dấu ấn cá nhân trong một công trình kiến trúc, theo anh, nên chiếm bao nhiêu phần trăm?

Một công trình thật sự tuyệt vời không chỉ là câu chuyện của kiến trúc sư và bản vẽ. Tôi không thích nhìn nhận kiến trúc sư như một người hùng. Đó là thành quả chung của chủ đầu tư, các kỹ sư kết cấu, thợ xây dựng, các đơn vị sản xuất cấu kiện, và thậm chí cả đội ngũ nhân viên sẽ vận hành tòa nhà.

Theo tôi, trong giai đoạn thiết kế, kiến trúc sư nên đóng góp 50%, khách hành và các kỹ sư đóng góp 50%. Sau khi đã hoàn tất việc xây dựng và đi vào hoạt động, dấu ấn cá nhân của kiến trúc sư được thể hiện trong tầm nhìn, chiến lược và cách thức “sống” của công trình đó.

rs_kts-nguyen-hoang_01
“Một ngôi nhà xa xỉ không nằm ở sự đắt đỏ, mà thể hiện ở cảm giác hạnh phúc của người sử dụng”

Anh có quan tâm đến yếu tố môi trường và tính xã hội tại các công trình của mình?

Một kiến trúc sư không nên chỉ chăm chăm thiết kế công trình, mà còn phải để tâm đến yếu tố cảm xúc và cảm giác của con người – cụ thể là những người sẽ sử dụng và tiếp xúc với những công trình đó. Tính bền vững (môi trường) và tính xã hội nằm ở cách vận hành công trình, cách kết nối giữa quá khứ và tương lai của mảnh đất nơi công trình đó đang hiện diện để có thể trở thành một phần của nó.

Anh định nghĩa thế nào là một ngôi nhà xa xỉ?

Tôi tin một ngôi nhà xa xỉ không nằm ở sự đắt đỏ, mà thể hiện ở cảm giác hạnh phúc của người sử dụng. Một biệt thự trên vách đá nhìn ra vịnh Hạ Long hay một căn nhà gỗ trong rừng thông trên Đà Lạt đều có sự xa xỉ ngang nhau. Ai sẽ sống trong đó, và họ định nghĩa thế nào về hạnh phúc mới là điều tôi quan tâm. Hiện tại, sự xa xỉ của tôi là một căn hộ vừa phải trong trung tâm thành phố, với ban công là nơi tôi và bạn bè có thể cùng nhau thưởng thức những ly rượu ngon. Tất nhiên là không thể thiếu một không gian nhỏ để tập thể dục.

Anh có thể chia sẻ về những căn nhà nơi anh từng sống?

Một không gian khá cổ kính kiểu Đông Dương gần hồ Thiền Quang. Một căn hộ nhỏ như trong phim của Trần Anh Hùng ở phố Hàng Bè. Một căn nhà gỗ ở Havana, nơi tôi đọc sách và tập uống rượu như nhà văn Hemingway. Căn phòng màu trắng ở Zurich, nơi tôi chỉ có sách làm bạn. Một căn phòng tối tăm không cửa sổ, nhìn ra khoảng sân trong khu tập thể đầy nắng ở Marrakesh. Qua mỗi nơi từng sống, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Và tôi chưa bao giờ ngừng “lớn” cả.

Ai là người truyền cảm hứng lớn nhất cho anh?

Tôi tìm kiếm nguồn cảm hứng qua các tác phẩm của George Orwell, Ayn Rand, Ernest Hemingway hay qua những bộ phim của đạo diễn James Cameron. Tất nhiên, tôi cũng học tập từ những bậc thầy kiến trúc như Mies van der Rohe, Rem Koolhaas và đặc biệt là giáo sư người Thụy Sĩ Peter Markli.

Công ty của anh đã thực hiện nhiều công trình ở các thành phố trên thế giới, theo anh, làm thế nào để kiến trúc Việt Nam vươn lên tầm quốc tế?

Chúng tôi hiện có dự án tại ba quốc gia khác nhau, những nơi có nhiều nét tương đồng về văn hóa nhưng lại vô cùng khác biệt về hệ thống giá trị. Nếu chúng ta muốn mở được cánh cửa bước qua sự khác biệt đó, quá trình tương tác, nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Không thể duy trì giá trị áp đặt kiểu châu Âu, chúng ta cần lô-gíc hiện đại, nhưng phải ứng dụng linh hoạt theo các bối cảnh văn hóa khác nhau.

Hoạch định tương lai anh đặt ra cho công ty của mình?

Kiến trúc là một nghề chậm chạp. Chúng tôi không tự sản sinh ra một sản phẩm mới. Khách hàng là người biết họ cần gì và cần ai. Chúng tôi chậm rãi, kiên nhẫn chờ đợi thị trường Việt Nam phát triển hơn, và đó là một qua trình cần sự đầu tư lâu dài và bài bản.

Xin cảm ơn anh!

Đôi nét về Nguyễn Hoàng

Sinh ra tại Moskva, Nga, anh Nguyễn Hoàng theo học chuyên ngành kiến trúc và bắt đầu làm việc tại Việt Nam, Singapore và Thụy Sĩ. Sau một thời gian chu du khắp nơi, anh thành lập công ty kiến trúc HAS tại thành phố Zurich. Năm 2014, HAS mở thêm văn phòng tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Phương pháp kiến trúc của anh tập trung vào bối cảnh văn hóa và bản chất cốt lõi của con người, đồng thời, “cố gắng tìm kiếm điều gì đó có sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ lịch sử và truyền thống, mở ra con đường tự do hướng tới tương lai”.

Công ty HAS đã hoàn thành nhiều công trình quy mô tại Việt Nam, Úc, Thụy Sĩ, Ý, Đức, Campuchia, Myanmar. Trong đó phải kể đến những dự án như thiết kế concept sân bay quốc tế Long Thành, tòa nhà Amagosa Tower và Amagos Park tại Đà Nẵng, khách sạn Movenpick Hồ Chí Minh, tòa nhà The Prince của tập đoàn Khaisilk…

“Tôi tin một ngôi nhà xa xỉ không nằm ở sự đắt đỏ…. Một biệt thự trên vách đá nhìn ra vịnh Hạ Long hay một căn nhà gỗ trong rừng thông trên Đà Lạt đều có sự xa xỉ ngang nhau.”