Từ hàng bao thế kỷ, các thành viên hoàng tộc Anh vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, lịch thiệp qua những bộ trang phục được may đo và chăm chút tỉ mỉ.
Các thành viên hoàng gia Anh, bất kể độ tuổi, là những người rất kén chọn trong mọi thứ, từ trang phục, phụ kiện cho đến dù và giày dép. Và ngay cả khi những nhân vật nhiều đặc quyền này yêu thích một thương hiệu – mà trong nhiều trường hợp, có thể mang lại nhiều giá trị so với hợp đồng quảng cáo của một ngôi sao nổi tiếng, thương hiệu đó phải trải qua một quy trình xem xét vô cùng kỹ lưỡng trước khi được cấp giấy chứng nhận chính thức. Dưới đây là những thương hiệu như thế, một vài trong số đó đã phục vụ các thành viên hoàng gia Anh qua nhiều thế hệ.
Henry Poole & Co.
Kể từ khi thành lập cửa hiệu may đo đầu tiên trên phố Savile Row vào năm 1846, Henry Poole & Co. đã trở thành địa chỉ lựa chọn của giới hoàng tộc, bao gồm Hoàng đế Napoléon III, Nữ hoàng Victoria, Vua Edward VII, Nhật hoàng Hirohito, cùng danh sách kéo dài gồm hoàng thân và quốc vương các nước khác. Theo Simon Cundey – giám đốc điều hành và là thành viên thế hệ thứ bảy tiếp quản thương hiệu từ anh họ vào năm 1876, Henry Poole & Co. hiện đang nắm giữ kỷ lục với khoảng 40 giấy chứng nhận của hoàng gia. Thương hiệu được Nữ hoàng Elizabeth II cấp giấy chứng nhận từ năm 1952 và hiện vẫn tiếp tục công việc chăm lo cho các tủ trang phục tại lâu đài Windsor.

Di sản kế thừa và thành tích ấn tượng là thế nhưng Poole luôn toát lên bầu không khí thoải mái, dễ chịu, không hề khoa trương kiêu kỳ. Khoảng 1.200 bộ complê – mỗi bộ có giá khoảng 4.900 đô-la Mỹ – được thực hiện tại đây mỗi năm. “Khách hàng của chúng tôi là các ngôi sao, giới doanh nhân và lãnh đạo ngành”, Cundey cho biết. Tuy nhiên, những điểm nhấn phô trương, điệu đà vẫn có thể được tìm thấy trên vô số bộ lễ phục mà hãng thiết kế cho Hoàng gia Anh, chẳng hạn như bộ đồng phục của người xà ích trong lễ diễu hành tại đám cưới của Hoàng tử William và Kate vào năm 2011.
J Barbour & Sons Ltd.
Vào đầu năm nay, Margaret Barbour, Chủ tịch thương hiệu thời trang Barbour, tiết lộ rằng, nhân dịp Đại lễ Kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 2012, hãng có nhã ý muốn tặng Nữ hoàng chiếc áo jacket Barbour để thay cho chiếc áo cũ. Tuy nhiên, Nữ hoàng đã lịch sự từ chối và đề nghị wax lại chiếc áo jacket Barbour Beaufort cũ của mình. Sau tất cả, chiếc áo lâu năm này – giống như một ngôi nhà vững chãi – vẫn được ưa thích bởi phong cách vượt thời gian của nó.

Ngày nay, Barbour cung cấp nhiều dòng sản phẩm, từ giày cho đến các loại chăn cho thú cưng, tại 40 quốc gia khắp thế giới. Những chiếc áo waxed jacket vẫn là món đồ quen thuộc được truyền lại từ cha mẹ sang con cái như của hồi môn. Độ bền của trang phục chính là niềm tự hào của thương hiệu được thành lập vào năm 1984 này. Dưới sự quản lý của thành viên thuộc thế hệ thứ 5 trong gia đình, Barbour hiện được biết đến với những trang phục dành cho nhóm quý tộc nhỏ. Tuy nhiên, chiếc áo waxed jacket cổ điển vẫn chứa đựng tinh thần của vùng thôn quê nước Anh – khiến nó trở thành một món đồ không thể thiếu trong gia đình hoàng tộc. “Chúng tôi vô cùng tự hào là nhà cung cấp trang phục cho hoàng gia Anh”, Steve Buck, giám đốc điều hành của Barbour, cho biết. “Điều đó nhắc nhở chúng tôi rằng chất lượng và tay nghề truyền thống của hãng được công nhận bởi những người có địa vị cao nhất nước”. Và khi vẫn còn được Nữ hoàng công nhận, hẳn Barbour sẽ vẫn sẵn lòng hồi sinh chiếc áo jacket cũ đúng như cách họ chào bán một sản phẩm mới.
Kinloch Anderson

Tartan không chỉ đơn thuần là loại vải kẻ ô như những gì mà những người làm việc tại thương hiệu gần 150 năm tuổi Kinloch Anderson này nói với bạn. Được cho là có nguồn gốc từ một tộc người ở Scotland, các thiết kế tartan của thương hiệu luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Kinloch Anderson hiện là công ty gia đình, một thương hiệu toàn cầu (thậm chí sản xuất whisky) có nguồn gốc lâu đời ở Scotland. Thương hiệu không chỉ sản xuất trang phục tartan và đồng phục cho quân đội nước này, mà còn đảm nhiệm vai trò phục vụ Thái tử Philip, Thái tử Charles, và cả Nữ hoàng Elizabeth – trong đó chiếc áo Balmoral Tartan chỉ được mặc với sự cho phép của Nữ hoàng.
Turnbull & Asser

Turnbull & Asser là một trong những thương hiệu danh tiếng về áo sơ-mi và cà vạt, phục vụ Thái tử Charles cùng một số nhân vật đặc biệt như Pablo Picasso và Charlie Chaplin. “Chúng tôi tự hào được trở thành nhà cung cấp áo sơ-mi chính thức cho Hoàng tử xứ Wales kể từ năm 1980,” Giám đốc Steven Quin, người luôn tự hào vì thương hiệu vẫn tạo ra những chiếc áo sơ-mi tại Gloucestershire và Kent, cho biết. Dù rất kín tiếng về khách hàng hoàng gia của mình nhưng Quin cũng tiết lộ rằng, sau khi bị chấn thương ở vai do cưỡi ngựa vào năm 1990, Thái tử Charles đã đặt may một chiếc áo sơ-mi với dây treo đồng màu.
Fulton Umbrellas 

Là một trong những thương hiệu được Hoàng gia Anh công nhận, Fulton Umbrellas thường gặp gỡ đại diện của Nữ hoàng mỗi mùa để cung cấp những chiếc dù – món phụ kiện không thể thiếu của Nữ hoàng trong điều kiện thời tiết thất thường của nước Anh. Thiết kế đặc trưng của Fulton là chiếc dù Birdcage bằng PVC trong suốt được sáng chế vào năm 1963 nhằm mục đích che mưa cho Nữ hoàng mà vẫn đảm bảo bà có thể nhìn thấy xung quanh. “Đó là một sáng kiến tuyệt vời vào thời điểm đó”, Giám đốc điều hành Nigel Fulton tự hào nói. “Chúng tôi đã hợp tác với nhà thiết kế thời trang Mary Quant, và đã gây được nhiều chú ý. Thật vinh dự khi được hoàng gia công nhận”.
John Lobb

Thương hiệu đóng giày danh tiếng tại Luân Đôn đều nhận được sự công nhận từ cả Thái tử Charles lẫn Hoàng thân Philip. “Những đôi giày bốt đầu tiên của hãng do cụ tổ của tôi thực hiện,” Nicholas Lobb – thành viên thế hệ thứ 5 kiêm nhà quản lý của hãng – cho biết. “Từ Cornwall, ông đến Luân Đôn, và may mắn được đóng giày cho Hoàng tử xứ Wales vào năm 1863.” Những sản phẩm được ưa chuộng nhất của hãng bao gồm giày Oxford Cap và Double Monk. Lobb từ chối tiết lộ loại giày yêu thích của các thành viên hoàng tộc nhưng cho biết Thái tử Charles thử đôi giày Oxford đen đầu tiên vào năm 1971 và hiện giày của ông vẫn được đóng theo phom giày ban đầu.
Johnstons of Elgin

Hãng sản xuất vải len Johnsons của Elgin vừa được Thái tử Charles yêu cầu khôi phục một mẫu vải cũ có tên gọi Albert Tweed với tông đỏ và xám đan xen tượng trưng cho địa hình đá granite của Aberdeenshire, nơi có trang viên của gia đình. Nổi tiếng với loại vải cashmere được sản xuất tại xưởng Elgin từ năm 1851, Johnstons cũng thu hút được một lượng khách hàng trung thành đối với loại vải Tweed họa tiết rằn ri vùng Scott, giúp người mặc dễ dàng ẩn mình vào khung cảnh thiên nhiên nơi đây.
Xưởng thuộc da Böle

Hai cha con Jan và Anders Sandlund vẫn duy trì những phương pháp thuộc da cổ xưa tại xưởng thuộc da 118 năm tuổi của gia đình – Böle Tannery. Nằm ở vành đai Bắc cực, Böle là xưởng thuộc da cuối cùng trên thế giới sử dụng gỗ cây vân sam, đồng thời là nhà cung cấp da thuộc cho hoàng gia Thụy Điển từ năm 1996. Da được sử dụng cho từng chiếc vali và ba-lô đều được thuộc bằng phương pháp thủ công trong 12 tháng cùng với vỏ cây vân sam từ khu rừng xung quanh và nguồn nước không đổi trong suốt gần 100 năm qua. Với sự kết hợp đặc sắc này, mỗi chiếc túi, giống như chiếc ba-lô King Rucksack (giá khoảng 8.300 đô-la Mỹ) đều có màu sắc riêng và mùi hương gỗ vân sam đặc biệt.
Randers Handsker

Được thành lập vào năm 1811, suốt thời kỳ diễn ra các cuộc chiến của Hoàng đế Napoleon, thương hiệu đến từ Đan Mạch đã giúp khôi phục kinh tế cho thị trấn nhỏ Randers nhờ phát huy truyền thông làm găng tay lâu đời của vùng đất này. Hơn 200 năm sau, hãng tiếp tục tạo ra những đôi găng tay bằng da theo cách truyền thống, trở thành một trong những xưởng sản xuất găng tay lâu đời nhất thế giới vẫn còn hoạt động và được Nữ hoàng Đan Mạch công nhận. Các loại da như da cừu, da dê, da hươu đều được thuộc cẩn thận trước khi được sử dụng để tạo ra những đôi găng tay phong cách cho các thành viên hoàng tộc.
Delvaux

Được thành lập vào năm 1829, Delvaux của Thụy Sĩ là thương hiệu truyền thống nhưng vẫn mang tinh thần cấp tiến mạnh mẽ, phá bỏ các giới hạn trong thiết kế. Trên thực tế, đây là hãng làm đồ da đầu tiên từng xin cấp bằng sáng chế cho các sản phẩm của mình. Trình độ tay nghề thủ công với bộ sưu tập gần 3.000 sáng tạo đã giúp Delvaux được Hoàng gia Thụy Sĩ công nhận từ năm 1883. Ngày nay, thương hiệu tiếp tục tạo ra những món phụ kiện hiện đại với kiểu dáng mượt mà như túi messenger và túi đeo (giá từ 2.900 đến 39.000 đô-la Mỹ), theo phương pháp lâu đời với mỗi món đồ phải trải qua vô số công đoạn và hàng chục giờ lao động miệt mài của nghệ nhân.