“Chỉ cần một nụ cười tỏa nắng và một món trang sức lấp lánh, bạn đã đủ tự tin để làm chủ chính mình”, Donatella Versace

Joel Arthur Rosenthal

Tài ba và không kém phần bí ẩn, Joel Arthur Rosenthal (được giới mộ điệu biết đến với biệt hiệu JAR) đã bắt đầu sự nghiệp thiết kế trang sức của mình từ bốn thập kỷ trước, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử nghệ thuật tại đại học Harvard. Nhà kim hoàn người New York đã tự học thành tài và mở một cửa hiệu khiêm nhường trên quảng trường Place Vendôme ở Paris vào năm 1977, nơi ông thường đón tiếp những khách hàng thân tín. Các tác phẩm của Rosenthal là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc, nhằm tôn vinh vẻ đẹp vĩnh hằng của những viên đá màu trên nền hợp kim vàng – bạc được làm tối đặc trưng của thương hiệu.

Tác phẩm của Joel Arthur Rosenthal thường tôn vinh vẻ đẹp của đá màu

Mỗi năm ông chỉ cho ra đời dưới 100 sản phẩm, hầu hết là chế tác theo đơn đặt hàng riêng; và những món trang sức độc đáo, hoàn mỹ vô khuyết của ông liên tục được định giá cao trong các phiên đấu giá danh tiếng. Cho đến hiện tại, đã có 14 tuyệt phẩm của JAR được bán với giá trên một triệu đô-la Mỹ; đặc biệt tại buổi đấu giá Sotheby’s vào mùa đông năm ngoái, một cặp khuyên tai kim cương hình xoắn ốc của ông đã được ngã giá 225,000 đô-la Mỹ. Chiếc trâm cài Camellia bằng hồng ngọc của nhà sưu tập Lily Safra hiện đang có giá trị cao nhất trong tất cả những mẩu trang sức được đấu giá của JAR, với kỷ lục 4,3 triệu đô-la trong năm 2012.

Stefan Hemmerle

Được thành lập vào năm 1893 tại Munich bởi hai anh em Joseph và Anton Hemmerle, thương hiệu bắt đầu tạo nên tên tuổi sau khi đảm nhiệm việc thiết kế vương miện và huân chương danh dự cho quân đội và hoàng gia Đức. Hơn một thế kỷ sau, Stefan cùng vợ mình là Syveli đứng ra quản lý công ty, song song với con trai Christian và con dâu Yasmin, họ đại diện cho thế hệ thứ ba và thứ tư của dòng họ Hemmerle. Thương hiệu không ngừng có những bước đột phá, điển hình như việc phối hợp đá quý cùng các kim loại ít sử dụng, tiêu biểu là những sản phẩm kết hợp kim cương nước D có độ tinh khiết tối đa với ổ nhẫn bằng sắt hay đồng.

Hemmerle cho ra đời những tuyệt tác sống động lấy cảm hứng từ thiên nhiên

Trong vòng 15 năm trở lại đây, dưới sự quản lý của dòng họ lâu đời này, thương hiệu Hemmerle đã chế tác ra vô vàn tuyệt phẩm tinh tế bằng kim loại phi truyền thống, từ những nhành cây úa bằng đồng hay các loài sinh vật bằng đồng thau sống động như thật trong bộ sưu tập Nature’s Jewels năm 2014, đến những kiệt tác đầy tính sáng tạo từ nhôm thuộc dự án [AL] đang được tiến hành trong năm nay.
hemmerle.com

David Yurman

Trước khi ra mắt dòng trang sức bằng bạc cao cấp của mình vào năm 1980, David Yurman dành hầu hết thời gian để nuôi dưỡng cảm quan nghệ thuật. Trong những năm đầu của thập niên 60, sau khi rời trường đại học New York, Yurman đã đi dọc đất nước bằng cách quá giang trên những chuyến xe xa lạ, trầm mình trong dòng chảy của “thế hệ Beat” và phong trào phản văn hóa, đồng thời thực hiện những tác phẩm điêu khắc dưới sự chỉ dẫn của nhà điêu khắc hiện đại Jacques Lipchitz.

Trang sức của David Yurman mang kiểu dáng cổ điển mà không hề nhạt nhòa

Năm 1980, sau nhiều năm kinh doanh trang sức thủ công tại Bắc California, Yurman và vợ ông bắt đầu gầy dựng thương hiệu riêng của họ. Trải qua hơn ba thập kỷ, cái tên Yurman đã trở thành lựa chọn hàng đầu của những khách hàng ưa chuộng các mẫu thiết kế trang sức và đồng hồ tinh xảo, mỹ lệ và mang hơi hướng cổ điển. Một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của ông là mẫu vòng tay Cable hay Armory bằng bạc.
davidyurman.com

Wallace Chan

Đam mê đá quý từ thuở thiếu niên, Wallace Chan đã mở xưởng chế tác đầu tiên của mình tại quê nhà Hồng Kông vào năm 17 tuổi, và kể từ đó, sự nghiệp sáng tạo của ông không ngừng thăng hoa qua bốn thập kỷ. Kỹ nghệ tài tình và óc sáng tạo vô biên đã giúp ông chế tác ra vô vàn tuyệt phẩm bằng titan – loại nguyên liệu mà ông phải tốn mất tám năm nghiên cứu và thuần hóa – chính chúng đã mở ra con đường đi đến những viện mỹ thuật danh tiếng như The European Fine Art Fair (TEFAF), Biennale des Antiquaires, hay Masterpiece London.

Chan còn phát minh ra phương pháp cắt đá quý của riêng mình

Chan cũng từng phát minh ra một phương pháp cắt đẽo đặc biệt vào năm 1987 (được biết đến với tên gọi “Wallace Cut”), thực hiện bằng cách khắc ảnh ngược ở mặt sau của một viên đá đa diện. Khi được quan sát từ chính diện, hình ảnh sẽ được phản chiếu nhiều lần một cách đầy mê hoặc. Hai xưởng gia công của Chan tại Hồng Kông và Macau là nơi làm việc của những nghệ nhân đã gắn bó với ông qua nhiều thập kỷ, họ cùng nhau chế tác khoảng 20 mẫu trang sức hằng năm.
wallace-chan.com

Michelle Ong

“Trang sức của nàng như một món ăn tinh thần nóng sốt, khiến đôi mắt người ta phải ngấu nghiến và thương nhớ khôn nguôi,” nhà thiết kế trang sức Joel Arthur Rosenthal đã không tiếc lời ca tụng những kiệt tác của Michelle Ong nhân dịp bà ra mắt triển lãm mang tên Carnet: The Exquisite Jewelry of Michelle Ong nhằm thuật lại những cột mốc trong sự nghiệp của mình. Sinh ra trong một gia đình làm nghề y, bà không hề nghĩ mình sẽ có ngày rẽ sang nghiệp kim hoàn. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Xã hội học, bà quyết định theo đuổi giấc mơ thuở thiếu thời của mình và chọn trở thành thợ học việc của nhà nhập khẩu kim cương đầu tiên ở Hồng Kông.

Phong cách đặc trưng của Ong đậm chất nữ tính, là sự giao thoa giữa những tinh hoa của truyền thống phương Đông và phương Tây hiện đại

Thời điểm đó, bà đã học được những kiến thức chuyên môn về đá quý, thuật chế tác cũng như những chất liệu cao cấp (chẳng hạn như titan). Sau khi gầy dựng được một danh sách các khách hàng thân tín, bà thành lập cửa hiệu riêng của mình tại Hồng Kông dưới tên Carnet by Michelle Ong vào năm 2003. Phong cách đặc trưng của Ong đậm chất nữ tính, là sự giao thoa giữa những tinh hoa của truyền thống phương Đông và phương Tây hiện đại – phản ánh qua cặp khuyên tai “Nouveau Fan” bằng titan và vàng trắng lấy cảm hứng từ chiếc quạt Á Đông.
carnetjewellery.com

Viren Bhagat

Lớn lên đằng sau cửa hiệu của gia đình tại Mumbai, bên các tay thợ kim hoàn và những chuyên viên gắn đá, phong cách thiết kế của Viren Bhagat là một sự kết hợp hiếm hoi giữa đặc trưng truyền thống của Ấn Độ – như kim cương, đá quý và những quả tua rua tinh xảo – cùng các họa tiết tân thời mang hơi thở Art Deco.

Trang sức Ambaji Shinde toát lên phong cách Art Deco

Bhagat, nhà kim hoàn thế hệ thứ tư được mệnh danh là “JAR của nước Ấn”, tỉ mỉ dùng chì phác thảo những thiết kế để đời, trước khi đưa chúng cho đội ngũ những nghệ nhân lành nghề thân tín tại Mumbai. Thương hiệu trang sức mang tên Bhagat của ông chỉ sản xuất khoảng 60 mẫu trang sức mỗi năm, chủ yếu là từ các loại đá quý như hồng ngọc, sapphire, ngọc lục bảo và kim cương.

Victoire de Castellane

Ở tuổi 24, Victoire de Castellane trở thành trợ lý của Karl Lagerfeld tại trụ sở của nhà mốt Chanel ở Paris. Lagerfeld bấy giờ đang trong công cuộc định hình lại một thương hiệu đang trên bờ vực thẳm sau sự ra đi của Coco Chanel, ông đã lập tức bị thu hút bởi quan điểm thẩm mỹ táo bạo cùng cách tiếp cận thời trang đầy thi vị của Castellane. Bà nhanh chóng trở thành người tiên phong trong việc đưa phân khúc trang sức của Chanel đến một kỷ nguyên của sự phá cách và uyển chuyển đầy sức sống. Một số thiết kế kinh điển của bà gồm hoa tai mô phỏng lại kiểu dáng chiếc túi xách biểu tượng của Chanel hay những chuỗi vòng ngọc trai với kích thước đáng kinh ngạc.

de Castellane chưa bao giờ thiếu sự táo bạo và đột phá

Năm 1998, sau hơn một thập kỷ gắn bó với Chanel, de Castellane trở thành giám đốc sáng tạo của phân khúc trang sức cao cấp tại nhà mốt Dior, nơi bà cho ra đời nhiều bộ sưu tập gây tiếng vang lớn như Soie Dior Collection với các  thiết kế thanh thoát và mượt mà như lụa, những khối ngọc sặc sỡ trong dòng trang sức Cher Dior, hay bông hồng tinh xảo và ngọt ngào trong bộ sưu tập Rose Dior Bagatelle. Sau 19 năm đồng hành cùng Dior, hẳn rằng Quý bà de Castellane sẽ tiếp tục có những bước đi táo bạo và đột phá.
dior.com

James Taffin de Givenchy

Dù sinh ra trong một “đế chế” ngành thời trang và là cháu trai của nhà sáng lập Hubert de Givenchy, James de Givenchy đã tự gầy dựng sự nghiệp cho mình bằng thương hiệu trang sức Taffin với trụ sở đặt tại đại lộ Madison vào năm 1996. Tên tuổi của nhà kim hoàn người Mỹ gốc Pháp được biết đến nhiều nhất bởi khả năng ứng dụng hoàn hảo những vật liệu mới, từ các sản phẩm bằng gốm đỏ đặc trưng, gỗ cẩm lai tái chế đến những chuỗi hạt đầy màu sắc mang đậm phong vị Venice.

Hầu hết trang sức của Taffin de Givenchy đều “độc nhất vô nhị”

Hầu hết các kiệt tác của de Givenchy đều là những mẫu trang sức độc nhất vô nhị được làm theo đơn đặt hàng, và ông chỉ chế tác không quá 200 sản phẩm mỗi năm. Chúng được bày bán tại cửa hiệu của ông, nơi chỉ chào đón các khách hàng có lịch hẹn trước.
taffin.com

Ambaji Shinde

Năm 1962, Harry Winston đã thành công khi thuyết phục nhà kim hoàn gốc Ấn Ambaji Shinde nghỉ việc ở một hiệu trang sức Ấn Độ; chỉ bốn năm sau đó, Shinde đã trở thành người đứng đầu xưởng thiết kế của thương hiệu Harry Winston tại New York. Kể từ đó, Shinde và Winston cùng nhau chinh phục trái tim của các khách hàng trên toàn thế giới, cho tới khi Winston qua đời vào năm 1978.

Ambaji là một trong số ít nhà kim hoàn châu Á thành công trên toàn cầu

Trong 25 năm sau, Shinde không ngừng phát triển thiết kế hình vòng hoa kinh điển của thương hiệu này cũng như chế tác ra những mẫu trang sức vang danh, tiêu biểu là dây chuyền Star of Independence nổi bật với viên kim cương hình giọt nước Star of Independence nặng 75.52 carat – một trong những tài sản giá trị nhất thuộc bộ sưu tập của Winston.
harrywinston.com

Gianmaria Buccellati

Năm 1919, Mario Buccellati thành lập thương hiệu trang sức cùng tên tại Milan khi vừa bước qua tuổi 28, sau một thời gian dài học việc dưới vai trò thợ kim hoàn. Những thiết kế thủ công bằng vàng, bạc và bạch kim của Buccellati mô phỏng lại vẻ đẹp của vải vóc, hoa và cành lá một cách mỹ lệ và đầy sức sống. Một trong số các kỹ thuật nổi tiếng nhất của thương hiệu là rigato (kỹ thuật khắc những nét xước để tạo hiệu ứng bóng mờ cho kim loại) và telato (mô phỏng bề mặt vải lanh bằng các đường đan chéo).

Các tác phẩm của Buccellati mang hơi thở của trường phái ấn tượng

Khi Gianmaria, con trai của Mario, kế thừa sự nghiệp của cha mình vào năm 1966, ông đã thành công trong việc quốc tế hóa thương hiệu gia đình khi vừa ra mắt chuỗi cửa hiệu tại Paris, Tokyo, Beverly Hills và đồng thời làm phong phú thêm di sản trang sức của mình bằng những thiết kế đầy tính hiện thực (trong Bộ sưu tập Animalier) hay vô cùng lộng lẫy (Bộ sưu tập Unica). Sau khi Gianmaria qua đời vào năm 2015, con trai Andrea của ông trở thành người chèo lái con thuyền gia tộc, không ngừng thăng hoa với những sản phẩm đầy tính thẩm mỹ, tiêu biểu như Art Collection mang hơi thở của trường phái ấn tượng.

buccellati.com